Đề xuất lập quỹ bảo lãnh vay vốn 100.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lập quỹ bảo lãnh cho vay với hạn mức 100.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay vốn mà không cần tài sản đảm bảo.

Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để xin triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.

Theo đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bày tỏ ủng hộ những quyết sách quyết liệt của Chính phủ trước khó khăn để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như giải pháp nỗ lực hồi phục nền kinh tế.

Tuy nhiên, Liên minh SME cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, Liên minh đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME, vốn chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Liên minh SME, việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.

Cụ thể, Liên minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.

Doanh nghiệp được vay phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.

Đồng thời, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85.500 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3%. Như vậy, trung bình một tháng, Việt Nam có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính riêng tháng 9/2021, Việt Nam có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49.900 lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, sức chịu đựng của doanh nghiệp gần cạn kiệt do dịch bùng phát gần 2 năm nay. Khó khăn của doanh nghiệp đến phần lớn từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là khi thời điểm TP HCM và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua. Điều doanh nghiệp mong mỏi là Nhà nước bơm “oxy tín dụng” để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-lap-quy-bao-lanh-vay-von-100000-ty-dong-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-post159541.html