Sớm ban hành chính sách để vận động viên yên tâm thi đấu

Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 08 ý kiến tranh luận tập trung vào các vấn đề như: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra về chế độ chính sách; công khai, minh bạch về chế độ tiền ăn, tiền thưởng cho VĐV. Đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho VĐV để tập trung, yên tâm thi đấu..

Những ngày đầu năm 2024, sự kiện "cô gái vàng” thể dục dụng cụ Phạm Như Phương bất ngờ giải nghệ không chỉ gây tiếc nuối cho người hâm mộ mà còn khiến hình ảnh của bộ môn này nói riêng và thể thao đỉnh cao Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng. Bởi, VĐV Phạm Như Phương cho biết trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu của mình luôn bị HLV “cắt phế” 10% tiền thưởng từ thành tích huy chương, thu tiền thưởng “nóng” từ 30 - 50%, hay thu những khoản dành cho quỹ “không tên”.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội phản ánh thực tế chế độ đãi ngộ cho các vận động viên chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả. Điều này còn kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển, không tạo được động lực cho các VĐV, huấn luyện viên.

Khi mà đa số các vận động viên đều chung nỗi lo là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, các đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, vấn đề việc làm có tính chất căn cơ cho VĐV sau thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Về lâu dài, không phải tất cả VĐV đều được trở về để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Vì vậy, giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/som-ban-hanh-chinh-sach-de-van-dong-vien-yen-tam-thi-dau-224906.htm