Đề xuất giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa trong nhà trường

Nhiều ĐBQH cho rằng giáo dục ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cần được thực hiện sớm và đưa vào chương trình chính khóa trong nhà trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu ý kiến về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đại biểu cơ bản thống nhất với Điều 7 của dự thảo Luật, trong đó có liên quan đến nội dung và trách nhiệm giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Riêng khoản 3 dự thảo Luật quy định "Trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó".

Với quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị cân nhắc về vai trò chủ trì và phối hợp. Bởi các nội dung chính như: Xây dựng chương trình, bố trí giáo viên được đào tạo về nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy để truyền đạt cho học sinh, trang bị phương tiện để hướng dẫn cho các em lái xe đều thích hợp giao cho lực lượng CSGT chủ trì.

Còn các cơ sở giáo dục chỉ phối hợp trong việc bố trí thời gian và địa điểm để cho học sinh có nhu cầu tham gia học tập.

 Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng).

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng).

Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nêu ý kiến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Điều 7 dự thảo Luật.

Các khoản 1, 2, 4 đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ bậc mầm non trở lên.

Do đó, để đồng bộ giữa kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh trung học cơ sở.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nội dung của công tác đảm bảo trật tự, an ninh và an toàn xã hội.

Theo đại biểu, nâng cao ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cũng là góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Vi phạm trật tự, an toàn giao thông và tai nạn giao thông nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là vấn đề quan trọng, việc này cần thiết phải thực hiện từ sớm và thường xuyên.

Khoản 1 Điều 7 xác định rất đúng khi đề cập giáo dục ý thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông bắt đầu từ cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên, người học các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục trong hệ thống quốc dân.

Toàn cảnh phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5.

Toàn cảnh phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5.

Để quá trình giáo dục này đạt hiệu quả tốt, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị đưa nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào chương trình chính khóa thay vì lồng ghép như những quy định ở khoản 2. Bởi, lồng ghép yêu cầu không cao bằng việc đưa vào chính khóa.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-giao-duc-an-toan-giao-thong-vao-chuong-trinh-chinh-khoa-trong-nha-truong-post684610.html