Đề xuất cơ sở bảo dưỡng thành trung tâm đăng kiểm: Lo biến tướng mới
Trong bối cảnh nhiều vấn đề 'nóng' xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm thời gian qua, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S được kiểm định xe cơ giới. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí chuyên gia lo việc người dân sẽ chịu thiệt khi thay thế phụ tùng giá cao đi kèm các tiêu cực.
Chỉ là ý tưởng
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cục đang xây dựng phương án cho phép cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được tham gia kiểm định phương tiện. Theo đó, cơ sở 3S là những đơn vị có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng. Cơ sở 4S được bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng. Tuy nhiên, vị này cho rằng, đây chỉ là một trong những đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam về những biện pháp nâng cao hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới.
“Chúng tôi mới có ý tưởng và còn phải nghiên cứu, điều tra, đánh giá toàn diện. Việc các cơ sở bảo dưỡng thành trung tâm đăng kiểm cũng giống như trung tâm đăng kiểm tư nhân. Tuy nhiên, thời gian qua, các trung tâm đăng kiểm tư nhân có nhiều vấn đề bất cập như cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu một số nước trên thế giới đang thực hiện việc này nhưng để áp dụng tại Việt Nam cần có thời gian”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, nếu đề xuất này được thông qua sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn khi đi đăng kiểm. “Trung tâm đăng kiểm từ nhà nước cho đến tư nhân hay cơ sở bảo dưỡng nếu được chấp thuận đều phải giám sát. Cục Đăng kiểm cũng đề xuất tăng cường giám sát cho các địa phương”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói.
Đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho biết, đơn vị có khoảng 80 trung tâm bảo trì, bảo dưỡng xe 3S ở 63 tỉnh thành. Nếu các trung tâm này được phép kiểm định phương tiện, người dân vùng xa không phải đi hàng trăm km để đăng kiểm ô tô như hiện nay. Các trung tâm bảo dưỡng xe 3S chính hãng đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại để kiểm tra phanh, đèn, khí thải, hộp số; trang bị máy đo thông số động cơ có thể phát hiện các bệnh của xe mà trung tâm đăng kiểm không có.
Chủ xe có thể chịu chi phí thay thế phụ tùng giá cao?
Anh Nguyễn Anh Tài, chủ xe ở Hà Nội cho biết, tại các cơ sở bảo dưỡng chính hãng, khi đi bảo dưỡng xe có khả năng nhân viên “vẽ” ra nhiều lỗi và bắt khách hàng thay thế phụ tùng chính hãng giá cao dù các bộ phận xe chưa đến hạn thay.
Còn anh Nguyễn Minh, chủ cơ sở sửa chữa ô tô tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân cơ sở sửa chữa ô tô của tôi bao giờ thay thế và sửa chữa cũng rẻ hơn các cơ sở bảo dưỡng chính hãng. Tôi e rằng, nếu trao quyền cho các cơ sở bảo dưỡng xe chính hãng, chủ xe sẽ chịu thiệt vì giá cao. Thậm chí có những lỗi không phải thay nhưng cơ sở này vẫn tìm đủ mọi cách khiến chủ xe vì lo ngại sự an toàn mà vẫn phải mất tiền thay”.
Đến ngày 30/1, cả nước có 243 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, 37 đơn vị tạm dừng do bị điều tra và không đủ điều kiện vận hành. Việc này khiến chủ xe phải xếp hàng 2-3 ngày mới được đăng kiểm, tập trung vào trước Tết Nguyên đán. Hiện tại, tình trạng xếp hàng dài chờ đăng kiểm đã giảm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quyền đăng kiểm cho trung tâm bảo dưỡng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. Chủ xe có thể bị yêu cầu sửa hoặc gợi ý thay thế phụ tùng mới để kiểm định, dù chưa cần thiết phải thay thế. Hoặc trung tâm có thể dễ dãi trong đăng kiểm để thu hút khách hàng, cạnh tranh thiếu lành mạnh như một số cơ sở đăng kiểm tư nhân thực hiện thời gian qua.
Để tránh tình huống trên, ông Quyền cho rằng, điều 4 Nghị định 139/2018 đã quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ôtô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Nếu đưa thêm một lực lượng tham gia đăng kiểm thì phải sửa đổi nghị định này.
Tuy nhiên, ông Quyền nhấn mạnh, cần tách bạch riêng hai nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới và Bộ GTVT cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các kỹ sư, thợ tại các cơ sở bảo dưỡng phải nắm được và thực hiện.
Đồng thời, Cục Đăng kiểm phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, có quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng để làm những việc không đúng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới một cách khách quan.