Đề xuất chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng

Trong các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm, có chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường.

Tuy nhiên, Thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của UBND quận, phường; về liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quận, phường.

"Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa" - ông Dũng nói.

Mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách.

Cụ thể, các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng (9 chính sách). Trong 9 chính sách này có 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù và 2 chính sách đề xuất mới gồm: Chính sách 1: Quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 2: Quy định HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 1/7/2021 để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất quy định thẩm quyền bãi bỏ văn bản của HĐND quận, phường ban hành trước ngày 1/7/2021 để triển khai thực hiện (khoản 18 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).

Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách). Trong 21 chính sách này có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Nêu rõ 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, ông Dũng thông tin, chính sách 1: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (khoản 12 Điều 1 dự thảo Nghị quyết); chính sách 2: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics (điểm 3 khoản 13 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).

Đặc biệt, chính sách 3: Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (điểm 4 khoản 15 Điều 1 dự thảo Nghị quyết). Dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách: Thứ nhất, đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin từ nguồn ngân sách Thành phố phục vụ thu hút, phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai, cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Được phép chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển lĩnh vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

Thứ tư, chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và hỗ trợ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

Chính sách 4: Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (điểm 3 khoản 15 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 5: Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất (điểm 3 khoản 10 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-chinh-sach-phat-trien-linh-vuc-vi-mach-ban-dan-tri-tue-nhan-tao-tai-da-nang-320027.html