Đề xuất bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngày 22/2, tại Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cảnh vệ.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết: Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm triển khai thi hành Luật đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Cụ thể:

Liên quan đến đối tượng cảnh vệ, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày tờ trình tóm tắt về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Trong đó, về đối tượng cảnh vệ là con người, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đây là các trường hợp đã được xác định là Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng, Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ.

Về biện pháp, chế độ cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ, Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: “(1) Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (2) Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ”. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần có chính sách quy định đặc thù để đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh vệ. Do đó, cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ. Dự thảo Luật gồm 02 Điều, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Điều 2: Hiệu lực thi hành.

Về nội dung cơ bản của Luật, Bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, gồm: “Chế độ cảnh vệ”, “Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu". Bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. chỉnh lý, sắp xếp thứ tự các chức danh, chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng thời quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định cơ sở để áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam: “Trên cơ sở có đi có lại”. Đồng thời, quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-bo-sung-3-chuc-danh-vao-dien-doi-tuong-canh-ve-post285434.html