Đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ
Ngày 23/9, tiếp tục phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 8 khai mạc vào tháng 10 tới.
Đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
Tại tờ trình Chính phủ, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo luật đề xuất bổ sung một số đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế này. Chẳng hạn, dự án đầu tư tại khu kinh tế ở địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, tức giảm một nửa thuế suất so với hiện hành là 20%.
Chính phủ cũng đề xuất cơ quan báo chí không phải loại hình báo in (điện tử, truyền hình, phát thanh) có thể được hưởng thuế ưu đãi 15%, giảm 5% so với hiện nay. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành. Mức thuế ưu đãi được áp dụng cả với thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên báo.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật, ươm tạo, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp, về 17% trong 10 năm.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn.
Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước.
Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo. Tuy nhiên, miếng bánh quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục kiến nghị.
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay, diện hưởng ưu đãi thuế tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất đã được thu hẹp theo các quy định hiện hành. Tại dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đã sắp xếp lại khoảng 25 nhóm ngành nghề. Mức thuế suất ưu đãi cũng được chia làm 5 nhóm theo từng loại hình.
Cần làm rõ một số nội dung
Về người nộp thuế, dự luật quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay báo cáo thuyết minh dự án luật, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại luật hiện hành và các hiệp định thuế (căn cứ trên hiện diện vật lý).
Việc này chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú "ảo" - không có hiện diện vật lý.
Tuy nhiên, dự luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành về người nộp thuế. Theo đó vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự luật. Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, dự luật bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh.
Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Về quan điểm thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các nhà cung cấp nước ngoài, ông Mạnh nêu dự luật quy định quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua việc quy định "không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh" để mở rộng phạm vi thu thuế.
Tuy nhiên, quy định này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử, vì trên thực tế các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh thuế 2 lần với Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
"Vì vậy, đề nghị làm rõ về tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để đảm bảo việc thu thuế với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử", ông Mạnh nêu rõ.