Để vốn đầu tư công phát huy hiệu quả

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cao hơn vốn đầu tư công trong giai đoạn tới cần khắc phục triệt để những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua.

Đường giao thông nội thôn Bản Hột (xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa) được bê tông hóa bằng nguồn vốn đầu tư công.

Gỡ vướng giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người dân vùng dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án, các chủ đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó công tác giải phóng mặt bằng là một trong những vướng mắc lớn. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, cần giải pháp kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh là một trong những chủ đầu tư có nhiều công trình, dự án giao thông lớn. Giai đoạn 2016 - 2020, Ban có 12 dự án đã triển khai đều là các dự án giao thông lớn, là các tuyến đường liên xã, liên huyện nên có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn.

Ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng là khâu then chốt ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các dự án. Nếu công tác giải phóng mặt bằng chậm sẽ kéo theo tiến độ cả dự án bị chậm. Để quản lý và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án, Ban đều không tách thành các tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Bởi vì khi tách thành tiểu dự án giải phóng mặt bằng thì các hạng mục như giải tỏa vật kiến trúc, tái định cư… phải chuyển về UBND cấp huyện như vậy Ban rất khó quản lý và kiểm soát được tiến độ. Thay vì tách thành tiểu dự án riêng, Ban đã hợp đồng với Tổ chức phát triển quỹ đất của huyện để phối hợp cùng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai dự án, Ban cũng rất chú trọng công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong tất cả các dự án Ban được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, trước khi lập dự án, lãnh đạo Ban đã đến làm việc với chính quyền địa phương, thông báo về quy mô, hướng tuyến, số hộ cần giải phóng mặt bằng… Sau đó 2 bên thống nhất, tổng hợp lại đưa vào phương án và trình các cơ quan thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, các dự án của Ban đều đi qua các xã khó khăn, các thôn bản vùng cao, xa xôi nên việc để người dân đồng thuận 100% với các chủ trương, chính sách khi thực hiện dự án là rất khó. Do đó, khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ban đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã và các nhà thầu tuyên truyền, vận động người dân. Khi người dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng, Ban đề nghị nhà thầu hỗ trợ các hộ dân cải tạo mặt bằng ruộng, nương; san lại nền nhà… Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, công tác giải phóng mặt bằng các dự án do Ban làm chủ đầu tư đều cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã thực hiện việc phân cấp đầu tư, nhất là giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án nhỏ cho UBND cấp xã. Vừa qua, HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình thực hiện nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có nội dung, giám sát hiệu quả các dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Qua giám sát cho thấy, với sự hỗ trợ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp huyện, các xã đã cơ bản tiếp cận được công việc được giao, năng lực, trình độ cán bộ, công chức xã được nâng lên; các công trình, dự án do xã làm chủ đầu tư cơ bản phát huy hiệu quả. Đơn cử như giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện Tủa Chùa đã ra quyết định thành lập tổ công tác giúp xã gồm cán bộ kỹ thuật các phòng, ban chuyên môn của huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế - Hạ tầng, Dân tộc và Ban Quản lý dự án các công trình… Do đó các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư đều cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Giải quyết nợ xây dựng cơ bản

Cuộc giám sát chuyên đề về đầu tư công vừa qua, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chỉ ra một số chủ đầu tư vẫn để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư giải trình làm rõ nguyên nhân gây nợ, nợ đọng xây dựng cơ bản đồng thời phải có kế hoạch giải quyết nợ giai đoạn trước và thực hiện tốt hơn giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025.

Trong tổng số 12 dự án Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư đã triển khai thi công thì có 5/12 dự án xảy ra tình trạng nợ xây dựng cơ bản, với tổng số nợ khoảng trên 40 tỷ đồng.

Ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Đến năm 2020, Dự án đường Chà Tở - Mường Tùng còn nợ khoảng 21 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khối lượng còn lại theo cơ cấu hiệp định, tiền thuế và chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh thêm so với dự toán ban đầu vì dự án kéo dài nên chế độ chính sách có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 - 2020, dự án chưa được bố trí vốn dự phòng 2 tỷ đồng. Năm 2021, vốn dự phòng mới được bố trí nên dự án hiện còn nợ khoảng 19 tỷ đồng. Tương tự, hết năm 2020, Dự án đường Mường Lay - Nậm Nhùn đang còn nợ khối lượng khoảng 13 tỷ đồng. Do giai đoạn 2015 - 2020, dự án không được bố trí vốn nên Ban không có cơ sở để thanh toán số nợ khối lượng. Ngoài ra, đường Mường Đun - Tủa Thàng nợ 112 triệu đồng; Nà Nhạn - Mường Phăng nợ 4,5 tỷ đồng; đường Km45 - Nà Hỳ nợ 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tất cả các dự án sẽ được bố trí vốn trong giai đoạn đầu tư 2021 - 2025, Ban sẽ căn cứ vào số vốn bố trí để thanh toán dứt điểm các khoản nợ khối lượng của các dự án. Cụ thể, giai đoạn này, số nợ 13 tỷ đồng của dự án đường Mường Lay - Nậm Nhùn sẽ được bố trí trả nợ dứt điểm với cơ cấu vốn: Nguồn tái định cư Thủy điện Sơn La 11 tỷ đồng và 2 tỷ đồng ngân sách địa phương. Đến nay, dự án cũng đã thanh toán được 9/13 tỷ đồng. 2 dự án: đường Nà Nhạn - Mường Phăng và Mường Đun - Tủa Thàng đã bố trí vốn năm 2021, trả thanh toán xong nợ khối lượng.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Điện Biên có 5 dự án phát sinh nợ xây dựng cơ bản, với tổng số tiền là 13,736 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025. Để giải quyết nợ xây dựng cơ bản, huyện Điện Biên đã bố trí ưu tiên 4 dự án chuyển tiếp giai đoạn với số tiền là 12,240 tỷ đồng, thời gian thanh toán trong 2 năm 2021 và 2022.

Tại huyện Tuần Giáo tổng số nợ xây dựng cơ bản tại thời điểm 31/12/2015 là 6,355 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tuần Giáo không bố trí nguồn vốn đề trả nợ. Sang giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tuần Giáo lại phát sinh nợ xây dựng cơ bản thêm 2,236 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm 2020, huyện Tuần Giáo còn nợ khoảng 8,62 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025, huyện Tuần Giáo sẽ bố trí nguồn vốn để thanh toán số nợ xây dựng cơ bản trên. Đồng thời, hạn chế tối đa phát sinh thêm nợ xây dựng cơ bản đối với các dự án, công trình đầu tư xây dựng trong giai đoạn.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191676/de-von-dau-tu-cong-phat-huy-hieu-qua