Đề thi tốt nghiệp năm 2025 môn Ngữ văn nên thay đổi thế nào?

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ có những thay đổi đột phá, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên kì vọng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên kì vọng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Người khen kẻ chê đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Chia sẻ về đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay, giáo viên dạy môn Ngữ văn có nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đề thi không khó, không gây bất ngờ, không có đột phá. Về cơ bản, cấu trúc và cách hỏi tương tự như các năm trước. Các thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài có thể đạt 7 điểm trở lên.

Luồng ý kiến thứ hai nhìn nhận, phần Đọc hiểu, câu 3 (mức độ thông hiểu) đòi hỏi thí sinh phải tư duy để chỉ rõ tác dụng của việc liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật. Câu 4 (mức độ vận dụng) từ suy ngẫm của tác giả, thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân.

Các câu hỏi yêu cầu thí sinh chỉ rõ được tác dụng của việc liên tưởng, tìm ra bài học vận dụng vào đời sống cho bản thân. Việc này đặt ra thách thức đối với thí sinh không chỉ về khả năng đọc hiểu mà còn về khả năng suy nghĩ logic, phân tích và tư duy sâu.

Cùng với đó, phần Làm văn, câu nghị luận xã hội được khen là khá hay và thực tế, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học trò phổ thông. Lệnh phụ câu nghị luận văn học yêu cầu "nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm" là không dễ với thí sinh, vì thế sẽ có khả năng phân loại.

Luồng ý kiến thứ ba nêu quan điểm, nội dung ngữ liệu phần Đọc hiểu (Dòng sông và những thế hệ của nước, Nguyễn Quang Thiều) còn lủng củng, rối rắm và cũ kĩ, đó là so sánh dòng sông với dòng chảy, lịch sử nghệ thuật.

Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đọc hiểu của thí sinh, các em sẽ mất thời gian đọc văn bản, thậm chí không ít em không thể hiểu được tác giả muốn nói gì.

Rút kinh nghiệm từ đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2024

Thứ nhất, Câu 1, Câu 2 phần Đọc hiểu chỉ ở mức nhận biết, nghĩa là thí sinh chỉ cần chép đúng ngữ liệu vào bài làm là được 1,5 điểm (mỗi câu 0,75 điểm).

Cụ thể, Câu 1, điều tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại: "thế hệ nghệ sĩ này tiếp nối thế hệ nghệ sĩ khác".

Câu 2, nếu không có những thế hệ nghệ sĩ trước đó thì các nghệ sĩ của các thế hệ tiếp theo sẽ: "không có nguồn lực lực để sáng tạo và khai phá".

Nhiều giáo viên Ngữ văn nói vui rằng, đây là 2 câu hỏi chống điểm liệt cho thí sinh, cách đặt câu hỏi quá mức dễ dãi nên hầu hết các em sẽ trả lời đúng.

Vì vậy, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 tránh đặt những câu hỏi như trên vì không đánh giá được năng lực thí sinh.

Câu 3, Câu 4 ở mức vận dụng thấp, đòi hỏi học sinh phải tư duy, phân tích và diễn đạt trôi chảy thì mới có thể đạt điểm tuyệt đối (1 điểm/câu).

Tuy vậy, đặt trong chỉnh thể phần Đọc hiểu, việc thiết kế 4 câu hỏi nhỏ vẫn manh mún. Hơn nữa, giám khảo cũng rất vất vả vì phải chấm điểm lẻ đến 0,25 cho mỗi ý đúng.

Có thể nhận thấy, phần Đọc hiểu chỉ phù hợp với việc dạy, học, kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ với 4 cấp độ: ngữ âm; từ vựng; ngữ pháp; văn bản - chứ không phải kiểm tra đánh giá tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt).

Thứ hai, đoạn trích "Dòng sông và những thế hệ của nước" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều có phần khó hiểu so với trình độ chung của học sinh lớp 12.

Nhiều giáo viên (Ngữ văn) cho biết, nội dung ngữ liệu bàn về sự kế thừa của các thế hệ văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo ra các tác phẩm.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đoạn trích (của ông) bàn về tính kế thừa của các thế hệ nghệ sĩ trong lịch sử sáng tạo của họ.

Theo đó, các em học sinh cần làm rõ nội dung, đó là xác lập tính biểu tượng: dòng sông, các thế hệ nước mà tác giả đưa ra. Nói về tính kế thừa trong nghệ thuật cũng như trong dòng chảy của đời sống.

Điều băn khoăn là, sách giáo khoa Ngữ văn 12 Chương trình 2006 (Tập 2) chỉ dạy 1 bài liên quan đến kiến thức lí luận văn học, đó là "Giá trị văn học và tiếp nhận văn học" (trang 184-194) khiến thí sinh khó giải mã nội dung ngữ liệu (như đã dẫn), trừ học sinh khá, giỏi.

Vậy nên, ngữ liệu phần đọc hiểu cần thỏa các tiêu chí như: dung lượng cần ngắn gọn; nội dung tường minh (trừ thơ); có tính thẩm mĩ, giáo dục và phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.

Thứ ba, điểm sáng của đề thi Ngữ văn là ở câu nghị luận xã hội. Câu hỏi này yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về "ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính".

Thí sinh có thể triển khai theo mạch nội dung như sau: Khi được tôn trọng, cá nhân cảm thấy được thấu hiểu, từ đó có động lực để phát triển bản thân.

Tôn trọng cá tính giúp chúng ta có thể dễ dàng kết nối, thấu hiểu và đồng cảm với nhau; giúp tạo dựng môi trường sống tích cực.

Khi mỗi cá nhân được tôn trọng cá tính, họ sẽ có ý thức trách nhiệm và cống hiến cho xã hội nhiều hơn,...

Tuy vậy, đối với câu hỏi này, đề thi cần yêu cầu thí sinh viết bài văn trên 500 chữ (thay vì đoạn văn 200 chữ) thì các em mới thể hiện được khả năng nhìn nhận, bàn luận, phản biện của bản thân về một tư tưởng.

Thứ tư, nhiều giáo viên rất trăn trăn trở đối với đề thi khi yêu cầu thí sinh phân tích thơ. Bởi vì, việc phân tích, cảm nhận một tác phẩm thơ không dành cho số đông học sinh.

Chỉ những học sinh có học lực khá, giỏi và có năng khiếu văn chương thì các em mới có thể giải mã nội dung, nghệ thuật của ngôn ngữ thơ - mang tính biểu tượng, ẩn dụ.

Nên chăng, câu hỏi về thơ chỉ nên là câu tự chọn - nghĩa là thí sinh có thể chọn một trong hai câu nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học để làm bài.

Thầy cô giáo cũng đừng lo lắng, đề thi không yêu cầu phân tích thơ thì học sinh sẽ bỏ bê phần này. Thực ra, kiến thức nghị luận xã hội sẽ rất quan trọng với học sinh sau khi các em ra đời chứ không phải chuyện có phân tích được một bài thơ hay không.

Liên quan đến đề thi Ngữ văn, nhiều giáo viên rất tâm đắc với đề thi đại học môn Ngữ văn ở Trung Quốc năm 2024. Đề thi có những câu rất hay, phân loại cao, đúng với tinh thần thi cử.

Ví dụ: Đề thi ở cấp độ A quốc gia

Đọc đoạn văn dưới đây và viết theo yêu cầu. (60 điểm)

Mọi người đều phải học cách hòa hợp với người khác. Đôi khi chúng ta ngại thể hiện bản thân để tránh xung đột. Thực ra, chỉ qua sự giao tiếp thẳng thắn chúng ta mới có thể có được một cuộc gặp gỡ thực sự.

Điều này khơi dậy những liên tưởng và suy nghĩ nào trong bạn? Hãy viết một bài văn bày tỏ quan điểm.

Yêu cầu: Chọn góc độ phù hợp, xác định quan điểm, làm rõ văn phong, tự viết tiêu đề; không sao chép, không đạo văn, không tiết lộ thông tin cá nhân và ít nhất 800 từ.

Giáo viên kì vọng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 sẽ có những thay đổi mang tính đột phá, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-tot-nghiep-nam-2025-mon-ngu-van-nen-thay-doi-the-nao-179240713091320051.htm