Để sử dụng hiệu quả tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp
Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 48,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta hiện nay là bao nhiêu?
Ông Tống Xuân Chinh: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Cục Chăn nuôi đã tính toán, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp cả nước năm 2020 khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp, gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.
PV: Phế, phụ phẩm nông nghiệp ở nước ta đã được đưa vào sản xuất, chế biến, xử lý như thế nào và đâu là những khó khăn, vướng mắc, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh: Phế, phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở nước ta có sản lượng lớn nhưng việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu cơ này chưa phù hợp. Đối với ngành thủy sản, việc thu gom, sơ chế, chế biến sâu trên 90%, chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi, như: Bột cá, bột đầu tôm, dung dịch protein thủy phân từ đầu tôm. Phế, phụ phẩm ngành lâm nghiệp thì thu gom, chế biến làm ván ép, gỗ ép, làm đệm lót sinh học trên chăn nuôi, ép viên làm chất đốt... Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất, chỉ tính gần 43 triệu tấn rơm mới thu gom, sử dụng được 52,2% làm thức ăn chăn nuôi, làm chất độn chuồng, trồng nấm, sử dụng để phủ luống, phân bón hữu cơ... xuất khẩu. Chất thải chăn nuôi cũng chưa được thu gom, xử lý, sử dụng hiệu quả triệt để và mới chỉ ở quy mô chăn nuôi trang trại (gần 100%), còn chăn nuôi nông hộ mới đạt 48%.
PV: Một số chuyên gia về kinh tế nông nghiệp cho rằng, nếu được khai thác, chế biến một cách khoa học, phế, phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường mà còn có thể đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành nông nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Tống Xuân Chinh: Đây cũng là cách tiếp cận toàn cầu hiện nay, trong đó có Việt Nam. Thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường cho con người, vật nuôi, đất, nước, không khí, hệ thống nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, góp phần tăng cường an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và nông nghiệp tuần hoàn... đem lại lợi ích đáng kể cho chủ sở hữu.
PV: Trong nông nghiệp, chăn nuôi được xem là lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Ngành chăn nuôi đã có những giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh: Trung bình đàn gia súc, gia cầm nước ta thải ra hơn 61,4 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu/năm. Ngoài ra, hằng năm có hàng triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, chưa có số liệu điều tra về nguồn phụ phẩm này. Các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi ở nông hộ mới dùng 48,5% ủ phân truyền thống (compost); 30,6% áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP hoặc tương đương); 11% áp dụng khí sinh học; 6% sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý chất thải; 2,7% sử dụng đệm lót sinh học... Riêng về xử lý, sử dụng phân vật nuôi tại trang trại mới đạt 73,3% lượng phân vật nuôi được bán và sử dụng làm phân bón hữu cơ, 26,7% được đưa xuống công trình khí sinh học để chạy máy phát điện hoặc sử dụng đun nấu, thắp sáng... tại cơ sở chăn nuôi.
Ngày nay, công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm, chế phẩm vi sinh hỗ trợ hiệu quả việc xử lý chất thải chăn nuôi. Ngoài 4 biện pháp xử lý chính chất thải chăn nuôi nêu trên, nuôi các loại côn trùng từ chất thải chăn nuôi như trùn quế (giun), ruồi lính đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, thủy sản và phân bón hữu cơ. Đây là giải pháp bền vững và rất phù hợp cho chăn nuôi nông hộ để chủ động xử lý chất thải chăn nuôi và thu nhập tăng thêm từ bán côn trùng và phân bón hữu cơ.
PV: Thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư xử lý, chế biến phế, phụ phẩm nông nghiệp, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh: Phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở nước ta có tiềm năng lớn, nhưng để có thể sử dụng bền vững, đa dạng, hiệu quả nguồn tài nguyên tái tạo này, Nhà nước cần có hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất phân bón hữu cơ (ở cả dạng phân bón hữu cơ truyền thống sử dụng tại chỗ và phân bón hữu cơ thương mại). Hỗ trợ thông qua thuế, lãi suất, vốn vay thương mại cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, đầu tư công nghệ phù hợp để sản xuất phân bón hữu cơ, đệm lót sinh học ở dạng công nghiệp và sản xuất điện từ khí sinh học trong chăn nuôi ở quy mô trang trại, cụm trang trại...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!