Để sống sót giữa cơn ác mộng, con người còn biết thấu cảm?

Thấu cảm là thứ duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa con người và người máy nhưng ranh giới này trở nên mong manh, khi loài người dần đánh mất chính năng lực của mình.

Người máy có mơ về cừu điện không? của tác giả Phillip K. Dick được viết trong giai đoạn 1966-1968, có lẽ là hai năm hỗn loạn nhất mà nước Mỹ đã trải qua kể từ Thế chiến thứ hai. Những vụ ám sát, bạo loạn, hippies, ma túy, phản văn hóa, và Chiến tranh Lạnh là bối cảnh để Dick viết một cuốn sách về cơn ác mộng của xã hội loài người trong thời đại hậu tận thế.

 Sách Người máy có mơ về cừu điện không?. Ảnh: Nhã Nam.

Sách Người máy có mơ về cừu điện không?. Ảnh: Nhã Nam.

Cuốn sách đã được đạo diễn Ridley Scott chuyển thể thành phim Blade Runner. Năm 1993, Blade Runner được Viện phim Mỹ được chọn để lưu giữ vào Thư viện Quốc hội vì giá trị “văn hóa, lịch sử, và thành tựu về thẩm mỹ”.

Không khí u ám của thế giới hậu tận thế

Tại San Francisco năm 1992 khi toàn dân trái đất đang phải chịu cảnh chết dần chết mòn do bầu không khí ô nhiễm phóng xạ, loài người đã buộc phải dần di cư đến các hành tinh ngoài vũ trụ, để tìm kiếm sự sống. Trong tiểu thuyết Người máy có mơ về cừu điện không?, Sao Hỏa được lựa chọn là hành tinh thuộc địa của con người.

Những người máy sinh ra trong bối cảnh ấy, trở thành những nô lệ phục vụ cho con người trong quá trình di cư. Phần lớn chúng đều ngoan ngoãn nhưng cũng có những người máy thế hệ mới, có trí thông minh gần giống con người, luôn tìm cách “nổi loạn”, muốn bứt ra khỏi sự kìm kẹp của con người. Từ ấy, một hệ thống cảnh sát được dựng nên để truy lùng và thu hồi nhóm người máy bỏ trốn. Họ được thưởng rất nhiều tiền mỗi khi thu hồi thành công và được gọi là những kẻ săn thưởng.

Trong Người máy có mơ về cừu điện không? độc giả sẽ bước vào một cuộc rượt đuổi nguy hiểm, bức bí và nhiều ám ảnh giữa kẻ săn thưởng, Rick Deckard và nhóm bảy người máy thế hệ Nexus-6 trốn khỏi Sao Hỏa, đứng đầu là Roy Baty.

Những người máy thế hệ Nexus-6 là những người máy vô cùng thông minh, thứ duy nhất có thể dùng để phân biệt chúng với con người là khả năng thấu cảm, được nhận biết với bài kiểm tra Voigt-Kampff. Bằng cách đặt câu hỏi và dựa vào phản ứng của cơ thể với những câu hỏi đó, bài kiểm tra sẽ phân biệt đâu là người thật với nhân bản. Thông thường vì người máy không có nhiều sự thấu cảm nên họ sẽ không trả lời được hoặc trả lời chậm hơn so với con người thật.

 Nhân vật Rick Deckanrd trong phim Blade Runner, chuyển thể từ tiểu thuyết Người máy có mơ về cừu điện không?.

Nhân vật Rick Deckanrd trong phim Blade Runner, chuyển thể từ tiểu thuyết Người máy có mơ về cừu điện không?.

Rick lạnh lùng tìm kiếm và dùng súng laser thu hồi từng người máy đang lẩn trốn, nhưng đồng thời trong quá trình tìm diệt ấy, anh rơi vào trạng thái trầm cảm không thể lý giải nổi. Tài năng miêu tả tâm lý phức tạp, đa chiều của tác giả cũng được thể hiện sắc nét qua nhân vật Rick cùng với mối quan hệ của anh và cô người máy Rachael.

Bầu không khí u tối, ngột ngạt và ám ảnh. Bầu không khí thực của thành phố được bao phủ bởi bụi phóng xạ, đang dần giết chết cả thành phố và những con người, những sinh vật sống trong nó. Việc Rick đang làm, giữa bầu không khí chết chóc ấy, rốt cục có ý nghĩa gì.

Quá trình lần lượt tiếp xúc với những người máy thông minh này, Rick luôn tự vấn mình bằng những câu hỏi, anh đang đi đâu vậy? Anh đang làm gì với cuộc sống của mình? Những câu hỏi mang đậm chất nhân sinh ấy, muôn đời này chúng ta vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn tự hỏi, nhưng nó càng trở nên ráo riết hơn khi được thể hiện trong bối cảnh hậu tận thế của Người máy có mơ về cừu điện không?.

Con người làm gì để trở thành “con người”

Tác giả Philip K Dick không cho chúng ta bất kỳ câu trả lời cụ thể nào ngoại trừ ý tưởng mơ hồ nhưng có thể sâu sắc rằng ý nghĩa của cuộc sống sẽ được tìm thấy trong quá trình tìm kiếm. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là phấn đấu cho sự thật, mặc dù chúng ta liên tục được nhắc nhở phải cảnh giác, vì sự giả dối ở khắp mọi nơi: Tiếng chim ưng Malta là giả, cừu điện là giả và bản thân Deckard cũng có thể là giả mạo.

Thế giới tiểu thuyết Người máy có mơ về cừu điện không? đầy rẫy những truy vấn xuất phát từ hai hình tượng đối lập, người thật và người nhân bản. Trong khi những con người sống thoi thóp trong xã hội không còn sự sống, trở nên lạnh lùng vô cảm, chìm đắm vào thế giới của ảo giác, thì những người máy dường như lại đến gần hơn với thấu cảm, khi họ biết bảo vệ nhau, biết nương tựa, giúp đỡ nhau.

 Rachael, nhân vật người máy xinh đẹp, được diễn viên Sean Young thể hiện trong phim Blade Runner.

Rachael, nhân vật người máy xinh đẹp, được diễn viên Sean Young thể hiện trong phim Blade Runner.

Nhân vật người máy Rachael Rosen để lại nhiều suy ngẫm cho độc giả, khi cô rơi vào tình yêu với kẻ săn thưởng Rick. Cô mang đầy đủ sắc thái cảm xúc của một con người, trở thành nhân vật “người” nhất trong tiểu thuyết. Đồng thời, Rachael cũng khiến những truy vấn nhân bản về loài người được truyền tải sâu sắc.

Trong khi hộp thấu cảm là thứ duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa con người và người máy, nhưng ranh giới này càng trở nên mong manh, khi loài người dần đánh mất chính năng lực của mình. Con người giữa thế giới hậu tận thế ấy, đang làm gì, và phải làm gì để có thể thực sự là con người?

Chết chóc là một ám ảnh bao trùm tiểu thuyết Người máy có mơ về cừu điện không? của Philip K. Dick. Điều này xuất phát từ chính bản thân Dick ngay từ khi còn rất nhỏ. Năm 1928, người chị gái sinh đôi, Jane Charlotte của ông mất khi ông chỉ mới vài tuần tuổi. Cả quãng đời sau này, ông luôn cảm thấy thiếu vắng Jane, và cái chết của Jane cũng thường được nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết của ông.

Jane được chôn cất trong một ngôi mộ cô đơn ảm đạm ở thị trấn Fort Morgan ở Colorado, với một khoảng trống để lại, “dành cho bé Phil”. Ngôi mộ đã chờ đợi Dick trong năm thập kỷ và khi ông qua đời vào năm 1982, có lẽ lần đầu tiên ông đã thoát khỏi nỗi ám ảnh về mất mát và cái chết, để đoàn tụ với người chị gái của mình.

Dick cũng là một tác giả thường xuyên sử dụng thuốc gây nghiện, trải qua những giây phút ảo giác và hoang tưởng, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cách chiêm nghiệm thế giới của ông. Những sáng tác của ông không chỉ nhuốm màu chết chóc, bi ai mà nó còn tái dựng nên một thế giới đầy kỳ bí, huyễn hoặc, vừa day dứt vừa khắc khoải.

Thế giới tiểu thuyết của Dick có nhiều gặp gỡ với thế giới phim của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng David Lynch, đầy siêu thực và điên loạn, nhưng chất chứa những câu hỏi nhân sinh sâu sắc.

Phillip K. Dick là nhà văn chuyên viết truyện thể loại khoa học viễn tưởng, là tác giả của 44 tiểu thuyết và hơn 100 truyện ngắn, giành giải Hugo và John W.Cambell cùng 4 lần đề cử giải Bebula. Tác phẩm của ông nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình. Ông là nhà văn khoa học viễn tưởng đầu tiên được đưa vào tủ sách danh giá Library of America.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/de-song-sot-giua-con-ac-mong-con-nguoi-con-biet-thau-cam-post1058338.html