Để người dân an tâm khi di dời, cải tạo chung cư cũ
Một trong bảy chương trình đột phá mà TP Hồ Chí Minh đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2020 là sẽ hoàn thành 50% việc sửa chữa, cải tạo chung cư cũ từ trước năm 1975. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới hoàn thành sửa chữa được 132 trong số 474 chung cư cũ (đạt 27,8%).
Cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo quận Bình Thạnh và UBND thành phố đã có cuộc gặp mặt cư dân cư xá Thanh Đa để bàn về các mức đền bù và giải pháp di dời người dân ra khỏi chung cư cũ. Cư xá này có 22 lô chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng tới nay mới đền bù, giải tỏa được hai lô. Quận Bình Thạnh đưa ra hai giải pháp đền bù: một là đền bù bằng tiền để cư dân đi mua nhà nơi khác sinh sống; hai là tái định cư tại chỗ, hỗ trợ người dân tiền thuê nhà ở tại nơi khác trong quá trình xây dựng dự án, khi dự án xây dựng xong, người dân đóng thêm tiền để có nhà mới. Tuy nhiên, khi người dân đặt câu hỏi về giá đền bù là bao nhiêu, nếu tái định cư tại chỗ thì mức giá mà người dân phải đóng thêm là bao nhiêu, liệu có ngân hàng nào hỗ trợ khoản vay để đóng thêm không, thì lãnh đạo quận không trả lời được. Tất cả lại rơi vào bế tắc như nhiều năm trước. Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp (DN) đã nhận được quyết định cho phép xây dựng, cải tạo chung cư cũ, thì phải thực hiện theo tiến độ mà thành phố đề ra. Tuy nhiên, nhiều DN viện đủ các lý do như chưa thương lượng giải phóng mặt bằng với người dân, chưa có chỗ tái định cư để di dời cư dân… để án binh bất động. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố, đã có hiện tượng chủ đầu tư “xí phần” các chung cư cũ để chào bán lại.
Trước nguy cơ vỡ kế hoạch sửa chữa, cải tạo chung cư cũ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu lãnh đạo Ban Điều hành các chương trình đột phá của thành phố chủ động triển khai công việc, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, các vấn đề cần tập trung thực hiện, các đầu việc, giải pháp, lộ trình cụ thể cho chương trình này. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, quỹ đất từ các chung cư cũ hiện rất nhiều và nằm ở vị trí đất “vàng”. Đây sẽ là cơ hội cho DN bất động sản. “Thành phố cần thanh lọc những dự án đã có chủ đầu tư, nhưng nhiều năm không thực hiện, nếu năng lực của chủ đầu tư hạn chế, không thể thực hiện được dự án thì thu hồi, giao cho các DN khác. Ngoài ra, thành phố cần có chính sách hỗ trợ DN trong thỏa thuận đền bù với người dân và DN, hạn chế đến mức thấp nhất những thủ tục hành chính không cần thiết”, ông Châu kiến nghị.
Để người dân sớm di dời, giao mặt bằng “sạch” tại các dự án xây dựng, cải tạo chung cư cũ, TP Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư, có hiệu lực từ ngày 20-4-2020. Theo đó, thành phố sẽ chi từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/tháng tùy vào từng khu vực cho các hộ dân, các hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú tại vị trí căn nhà bị giải tỏa. Cụ thể, ở khu vực 1 (quận 1, 3 và 5), những hộ có từ bốn nhân khẩu trở xuống sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có từ năm nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng. Khu vực 2 (quận 4, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Gò Vấp), những hộ có từ bốn nhân khẩu trở xuống sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có từ năm nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ 1.750.000 đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 21 triệu đồng/hộ/tháng. Khu vực 3 (quận 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và Tân Phú), những hộ có từ bốn nhân khẩu trở xuống sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có từ năm nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 18 triệu đồng/hộ/tháng. Khu vực 4 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và Nhà Bè), những hộ có từ bốn nhân khẩu trở xuống sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ/tháng. Những hộ có từ năm nhân khẩu trở lên sẽ được hỗ trợ 1.250.000 đồng/người/tháng, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ/tháng. Quyết định nêu rõ, các đối tượng nằm trong diện hỗ trợ chi phí tạm cư là các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi chung cư hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ cao mà chưa có quỹ nhà ở tạm cư, tái định cư để bố trí.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Việc hỗ trợ này sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong xây dựng, thực hiện các giải pháp bố trí chỗ ở cho người dân thuộc diện tái định cư. Quan trọng hơn là tháo được các ách tắc lâu nay (sự thiếu đồng thuận trong việc di dời; chủ đầu tư và người dân mất nhiều thời gian để thỏa thuận bồi thường, thủ tục hành chính kéo dài…) khiến cho công tác bồi thường, tái định cư bị chậm trễ, ảnh hưởng đời sống người dân ở các chung cư cũ. “Mọi chính sách giải tỏa, bồi thường, tái định cư mà thành phố đang triển khai đều hướng đến mục tiêu cuối cùng: Bảo đảm nơi ở mới cho người dân phải tốt hơn nơi ở cũ”, ông Võ Văn Hoan chia sẻ.