Để Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia không nằm trên giấy

Ngày 1-1-2020, Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia sẽ bắt đầu có hiệu lực. Trong đạo luật này có một số quy định rất đáng chú ý như: 'Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia' (khoản 1 Điều 5); 'Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn' (khoản 6 Điều 5); 'Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi' (khoản 5 Điều 32); 'Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia' (khoản 6 Điều 32…

Soi chiếu vào thực tế cuộc sống hiện nay, những quy định này đều rất đúng đắn và hết sức cần thiết nhằm phòng-chống tác hại của rượu, bia. Nếu được thực thi nghiêm túc, những quy định trên sẽ tác động rất lớn đến ý thức của cả người kinh doanh lẫn người sử dụng rượu, bia, từ đó kéo giảm tình trạng lạm dụng loại đồ uống này cũng như những hậu quả mà nó gây ra.

6 điểm mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (ảnh internet)

6 điểm mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (ảnh internet)

Song liệu những quy định trên có dễ thực thi? Câu trả lời là không dễ, thậm chí rất khó. Bởi lẽ, sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen của rất nhiều người, kể cả người chưa đủ 18 tuổi. Nó phổ biến đến mức mà nhiều người gọi đó là “văn hóa rượu bia”. Có quá nhiều sự kiện, công việc, mối quan hệ hàng ngày mà người ta cần dùng đến rượu, bia, từ sinh nhật, đám cưới, tân gia đến liên hoan sơ kết, tổng kết, hội nghị, ký kết hợp đồng… Và ít ai uống một mình mà thường rủ rê nhiều người như câu thành ngữ “trà tam, tửu tứ”. Chuyện kích động, ép buộc người khác uống cũng xảy ra không ít. Nhưng làm sao để xử lý hành vi này khi người bị kích động, ép buộc uống rượu, bia không đứng ra tố cáo? Ngay cả nếu có người tố cáo, cơ quan chức năng sẽ lấy gì làm bằng chứng để xử lý?

Các quy định: nghiêm cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ phải nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia cũng rất đúng đắn, cần thiết song cũng đều rất khó thực hiện. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu là vì chắc chắn không đủ lực lượng giám sát. Nó cũng tương tự như hành vi cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng trong Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá, do thiếu lực lượng giám sát nên hầu như người vi phạm đều không bị xử lý. Từ chỗ vi phạm nhưng không bị xử lý, người ta sinh ra thói quen nhờn luật, coi thường pháp luật.

Một lý do nữa khiến nhiều quy định trong Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia khó thực thi là dù chỉ còn vài ngày nữa luật này đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Đơn cử như hành vi dễ xử lý nhất là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đối với người điều khiển ô tô vi phạm, việc xử lý rất đơn giản vì đã có quy định rõ ràng trong Luật Giao thông Đường bộ và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nhưng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, quy định trong Luật Giao thông Đường bộ và Nghị định 46/2016/NĐ-CP là nồng độ cồn phải cao hơn 0,25 miligam/lít khí thở mới bị xử lý. Vì vậy, muốn xử lý được tất cả người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn thì phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông Đường bộ và nghị định hướng dẫn thi hành luật này.

Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng-chống tác hại của rượu, bia có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh tình trạng lạm dụng rượu, bia ở nước ta diễn ra ngày một nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe người dân và là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm cũng như nhiều hệ lụy xã hội khác. Nhưng để đạo luật này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân, các cơ quan chức năng cũng cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật một cách cụ thể, chi tiết, đảm bảo tính khả thi.

LÊ HÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/201912/de-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-khong-nam-tren-giay-5662956/