Để không còn thôn, bản nơi miền biên viễn thiếu ánh sáng của Đảng (bài 4)

Bài 4: Những thách thức trong xóa bản chưa có chi bộĐBP - Thành công trong việc xóa bản chưa có chi bộ thời gian qua trên địa bàn một số huyện không chỉ giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 22 thôn, bản chưa có chi bộ; chất lượng sinh hoạt một số chi bộ thôn, bản, nhất là chi bộ ghép còn hạn chế, thiếu nguồn tại chỗ… Những điều này khiến cho nỗi lo nguy cơ tái bản trắng đảng viên, tổ chức đảng là hoàn toàn có cơ sở nếu thiếu sự kiên trì của các cấp ủy đảng.Bài 1: Nỗ lực tìm nguồn kết nạp ĐảngBài 2: Vùng biên tiên phong về đích trong giai đoạn mơíBài 3: Khi vai trò của Đảng được phát huy

Ông Hạng A Tà, Bí thư Đảng ủy xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ với phóng viên những khó khăn về công tác xóa bản chưa có chi bộ trên địa bàn.

Ông Hạng A Tà, Bí thư Đảng ủy xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ với phóng viên những khó khăn về công tác xóa bản chưa có chi bộ trên địa bàn.

Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng là huyện còn nhiều thôn, bản chưa có chi bộ nhất tỉnh, những năm qua, Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đều xác định nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là tập trung xóa bản chưa có đảng viên, xóa bản chưa có chi bộ, góp phần củng cố hệ thống chính trị, từ đó hiện thực hóa mục tiêu cốt lõi xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ xóa bản chưa có chi bộ đặt ra cho huyện Điện Biên Đông chưa bao giờ dễ dàng. Đầu năm 2021, toàn huyện vẫn còn có 13 thôn, bản chưa có chi bộ. Đơn cử, tại xã Keo Lôm, dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn còn 2 bản chưa có chi bộ độc lập, gồm: bản Huổi Hoa A1 và Huổi Hoa A2. Theo Đảng ủy xã Keo Lôm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, do đây là các bản đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn thanh niên đi lao động, làm ăn xa, thường xuyên thay đổi địa bàn, công việc không thuận lợi cho việc phấn đấu và sinh hoạt đảng, trong khi những người đã cao tuổi không mấy mặn mà…

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, nhưng đến hết năm 2022, Điện Biên Đông vẫn còn 12/198 bản chưa có chi bộ độc lập, tập trung vào các xã: Keo Lôm, Chiềng Sơ, Xa Dung, Phì Nhừ... Để tập trung xóa thôn, bản chưa có chi bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông đã ban hành Nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, chú trọng công tác xóa bản chưa có chi bộ.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông). Hiện nay, xã còn 4 bản chưa có chi bộ độc lập, gồm: Háng Tàu, Háng Pa, Nà Ly và Thẩm Chẩu. Ông Lò Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơ cho biết, nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn đang rất hạn chế. Hầu hết lực lượng thanh niên được đào tạo bài bản về chuyên môn đều thoát ly khỏi địa phương, khó theo dõi, giúp đỡ. Trong khi, những người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể hầu hết lớn tuổi và không đạt yêu cầu về trình độ, năng lực. Số thanh niên sinh sống ở địa bàn dân cư trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà khi được tuyên truyền, vận động nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng.

Đại diện lãnh đạo xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) rà soát danh sách kết nạp đảng viên mới trên địa bàn xã.

Đại diện lãnh đạo xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) rà soát danh sách kết nạp đảng viên mới trên địa bàn xã.

Có nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xóa thôn, bản chưa có chi bộ là do công tác tạo nguồn trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, giúp đỡ phấn đấu vào Đảng không nhiều, bởi do một số sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường đại học cao đẳng, đi học nghề. Nhiều năm nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở các xã trên địa bàn huyện vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Bên cạnh đó, đây là huyện có số lượng lao động đi làm việc ngoại tỉnh lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Tính đến tháng 5/2023, toàn huyện có gần 4.000 lao động là thanh niên đi làm việc ngoại tỉnh (chiếm khoảng 10% dân số trong độ tuổi lao động của huyện). Trong khi, thanh niên sinh sống ở địa bàn dân cư trình độ, năng lực hạn chế, lại thiếu ý chí phấn đấu, ngại tham gia sinh hoạt các đoàn thể hoặc không mặn mà khi được tuyên truyền, vận động nên khó có thể bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú, giới thiệu cho Đảng.

Chi bộ 19, Đảng bộ xã Phì Nhừ (huyện Điện biên Đông) kết nạp đảng viên mới nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Chi bộ 19, Đảng bộ xã Phì Nhừ (huyện Điện biên Đông) kết nạp đảng viên mới nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Ông Bùi Văn Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Điện Biên Đông, cho biết: Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 25% số bản chưa có chi bộ; đến năm 2025 tất cả các bản (100%) thành lập được chi bộ độc lập. Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện ủy Điện Biên Đông tổ chức quán triệt sâu rộng tới cấp ủy và đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, khảo sát tình hình thực tế, chỉ đạo các đảng bộ cơ sở tiến hành sắp xếp lại chi bộ, tổ chức đảng theo từng thôn, bản; triệt để khắc phục tình trạng cục bộ, dòng họ, gia đình…

Bên cạnh đó, Huyện ủy Điện Biên Đông đã phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách đảng bộ các xã có kế hoạch cụ thể, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đảng ủy các xã tập trung chỉ đạo để thực hiện mục tiêu của kế hoạch. Bên cạnh đó, các cấp ủy phải giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở đảng rà soát đối tượng, phân công đảng viên, cấp ủy viên phụ trách quần chúng. Tất cả các đảng bộ trực thuộc đều lấy việc kết nạp đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phân công đảng viên phụ trách địa bàn dự sinh hoạt với chi bộ cơ sở, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên; hướng dẫn các chi bộ cơ sở thống kê, rà soát và lập danh sách quần chúng ưu tú để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên.

Không riêng huyện Điện Biên Đông, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 22 thôn, bản chưa có chi bộ độc lập, gồm: Mường Chà, Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ. Quá trình thực hiện mục tiêu xóa thôn, bản chưa có chi bộ vẫn gặp nhiều khó khăn do tính bền vững của một số chi bộ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa chưa cao; số lượng đảng viên ít, có nhiều biến động. Cùng với đó, một số đảng viên không có việc làm ổn định nên nguy cơ tái trắng đảng viên, trắng chi bộ dễ xảy ra. Nguồn kết nạp đảng viên ở các thôn, bản gặp nhiều khó khăn.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, những năm qua nơi nào có đảng viên, có chi bộ thì nơi đó kinh tế - xã hội phát triển mạnh hơn. Vì vậy, việc phát triển đảng viên và xóa bản chưa có chi bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là hạt nhân chính trị của đảng, là nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên. Với ý nghĩa đó, dù còn đó những gian nan phía trước, song các cấp ủy đảng trong tỉnh đang từng ngày nỗ lực, triển khai các giải pháp phát triển đảng viên, tổ chức đảng.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 170 chi bộ có dưới 5 đảng viên, 22 thôn, bản chưa có chi bộ độc lập trên địa bàn 5 huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Nậm Pồ và Điện Biên Đông.

Bài 5: Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành mục tiêu

Văn Quyết – Phong Vân

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xay%20dung%20dang/206504/de-khong-con-thon-ban-noi-mien-bien-vien-thieu-anh-sang-cua-dang-bai-4