Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% phải nỗ lực rất lớn
Ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Dự cuộc họp có đại diện 26 bộ ngành, địa phương liên quan.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác số 4, bao gồm 10 bộ, cơ quan trung ương và 11 địa phương, đã đạt tỷ lệ giải ngân 58,9% trong 10 tháng đầu năm 2024. Mức này cao hơn bình quân cả nước nhưng vẫn có sự phân hóa lớn. Có 4 cơ quan trung ương và 8 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình, trong khi 5 bộ và 3 địa phương còn lại giải ngân dưới mức bình quân.
Tình hình ở Tổ công tác số 7, gồm 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, lại kém khả quan hơn. Đến hết ngày 31/10/2024, tỷ lệ giải ngân trung bình của nhóm này chỉ đạt 48,36%, thấp hơn bình quân cả nước. Trong đó, ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai có tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình. Tuy nhiên, Kon Tum (42,93%) và Lâm Đồng (38,37%) lại đang tụt hậu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra hàng loạt khó khăn. Về mặt pháp lý, các quy định liên quan đến luật đấu thầu, phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi đất trồng lúa và đất rừng, đánh giá tác động môi trường hay thủ tục nối đường giao thông đang gây cản trở. Công tác chuẩn bị đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là ở khâu giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, và sắp xếp lại cơ sở nhà đất. Ngoài ra, tình hình thời tiết bất lợi với mưa bão, sạt lở càng làm phức tạp thêm tiến độ triển khai các dự án.
Bộ Tài chính cho biết, các vướng mắc không chỉ là vấn đề riêng của Tổ công tác số 7 mà còn là tình trạng chung trên toàn quốc. Để giải quyết, Bộ đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện và chỉ thị về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% vào cuối năm đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ tất cả các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khuyến khích các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để xử lý khó khăn theo thẩm quyền. Các nhà thầu cần được đôn đốc hoàn thiện hồ sơ và đẩy mạnh công tác thanh, quyết toán vốn ngay trong những tháng cuối năm.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công với những quy định mới, tiến bộ, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Theo đó, vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Vốn chương trình mục tiêu cũng đổi mới theo hướng đó. Như vậy sẽ không mất nhiều thời gian, dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nếu để dự án dở dang sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đơn cử, nếu nhà thầu không đủ năng lực, không trả được khối lượng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình. Với các dự án liên quan đến công nghệ, nếu kéo dài thời gian, công nghệ sẽ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, với các dự án đầu tư hạ tầng như phát triển đường cao tốc, nếu chạy theo số lượng mà không quản lý chặt chẽ về chất lượng để xảy ra sụt, lút, nứt vỡ, hư hỏng,... thì hậu quả rất lớn. Do đó, khi đầu tư, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, "làm nhanh, làm mạnh, làm chắc chắn, đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí".
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các tỉnh miền núi tính toán, cân đối lại khả năng thu ngân sách, nhất là việc thu ngân sách từ nguồn đất đai, trên cơ sở đó có các giải pháp bảo đảm vốn đầu tư cho các công trình, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý các vướng mắc, tránh tình trạng thi công dở dang do thiếu vốn,...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, chỉ còn 45 ngày nữa hết năm 2024, để giải ngân đạt 95% vốn như đã cam kết phải nỗ lực rất lớn, làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải kịp thời xử lý các kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Tập trung hoàn thành khối lượng các dự án trước 31/12/2024 để quyết toán.
Phó Thủ tướng giao Bộ KHĐT xem xét đề nghị của các tỉnh về điều chỉnh tổng mức đầu tư, thủ tục đầu tư, chuyển nguồn; tham mưu bố trí vốn bổ sung cho các dự án để hoàn thành công tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án ODA, bố trí vốn, điều chỉnh vốn đầu tư khi có ý kiến của Bộ KTĐT.
Bộ TNMT xử lý các vấn đề liên quan đến bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, bảng giá đất, giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng hướng dẫn các tỉnh tính giá vật liệu, bổ sung quy định mới về định mức...