Để đẩy nhanh chuyển đổi số nông nghiệp phải sớm mở cổng dữ liệu

Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp là tương lai của ngành nông nghiệp. Làm sao để công nghệ, chuyển đổi số đi vào thực tế nhiều hơn?

Drone nông nghiệp được dùng trong việc gieo hạt giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Trung Chánh

Drone nông nghiệp được dùng trong việc gieo hạt giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Trung Chánh

Ngành nông nghiệp năm 2024 đạt mức xuất siêu kỷ lục, khoảng 17,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 46,8% so với cùng kỳ và chiếm tới 71,6% xuất siêu cả nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực này chỉ mới là bước đi sơ khai, dù lợi ích mang lại rất lớn.

Công nghệ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất

Trao đổi với KTSG Online, bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng - đơn vị đang chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khẳng định, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích.

Bà dẫn chứng, với công nghệ sạ cụm ứng dụng trong sản xuất lúa, giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ xuống chỉ còn 50-60 kg/héc ta, thay vì là 120-200 kg/héc ta như phương thức gieo sạ truyền thống hiện nay. “Từ việc giảm giống, giúp cây lúa quang hợp tốt hơn, giảm được thất thoát khi thu hoạch do lúa cứng cây, ít đổ ngã”, bà Hè dẫn chứng.

Việc giảm lượng giống gieo sạ nhờ ứng dụng công nghệ còn giúp tiết kiệm lượng phân bón sử dụng 30% so với phương thức truyền thống, từ đó, giúp giảm lượng thuốc phun xịt 2-3 lần/vụ do ít sâu bệnh hại tấn công, theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua thực tiễn ở ĐBSCL, bà Hè khẳng định, áp dụng quy trình công nghệ của đơn vị này, sẽ giúp nông dân tiết kiệm được 20-30% chi phí đầu tư so với phương thức canh tác truyền thống.

Trong khi đó, việc ứng dụng drone (máy bay không người lái) giúp giải phóng sức lao động chân tay của người nông dân rất lớn. “Phun thuốc truyền thống hiện nay, một người mỗi ngày hoàn thành tối đa 1 héc ta, trong khi drone có thể hoàn thành vài chục héc ta là bình thường”, bà Hè nói.

Điều quan trọng hơn, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người nông dân tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, tức bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe người nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Mộng, Giám đốc phát triển thị trường Việt Nam của Công ty Sorimachi Việt nam (Tập đoàn Sorimachi, Nhật Bản) - đơn vị đang cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL - cho biết, ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất (Facefarm) sẽ giúp minh bạch thông tin trong quản lý sản xuất, bao gồm lập kế hoạch sản xuất, ghi nhật ký điện tử, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc…

Trong khi đó, với phần mềm kế toán hợp tác xã (Waca) giúp lãnh đạo hợp tác xã nắm bắt dễ dàng tình hình tài chính ở bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, từ đó, đưa ra phương án kinh doanh phù hợp.

Ông Nông Văn Trạch, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (tỉnh Bạc Liêu) - đơn vị đang sử dụng hai phần mềm chuyển đổi số nêu trên - nhấn mạnh, Facefarm giúp đơn vị này theo dõi quy trình sản xuất một cách hệ thống, đảm bảo tiêu chuẩn canh tác và truy xuất nguồn gốc rất dễ dàng.

“Trong khi đó, Waca (phần mềm kế toán hợp tác xã) giúp quản lý tài chính một cách minh bạch, nhất là hỗ trợ các thành viên hợp tác xã chúng tôi kiểm soát tốt hơn chi phí sản xuất để tối ưu hóa lợi nhuận đạt được”, ông nhấn mạnh.

Thế mạnh của ứng dụng chuyển đổi số vào ngành nông nghiệp, theo ông Mộng, giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát, đưa ra chiến lược điều hành sản xuất cũng như có chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời.

“Chẳng hạn, vấn đề tài chính của hợp tác xã, hiện cơ quan quản lý không nắm được tức thì, nhưng khi đã đồng bộ dữ liệu lên nền tảng, ông nào hoạt động hiệu quả, yếu kém sẽ biết được ngay. Điều này, giúp nhà quản lý phán đoán được kế hoạch tiếp theo hoặc có chính sách hỗ trợ kịp thời”, ông dẫn chứng.

Rõ ràng, công nghệ, chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp thay đổi ngành nông nghiệp, giải phóng sức lao động cũng như minh bạch chuỗi giá trị sản để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.

Chia sẻ giữa bên cung cấp giải pháp và bên nắm giữ nền tảng dữ liệu giúp chuyển đổi số thành công. Trong ảnh là thiết bị ghi nhận dữ liệu mực nước trong canh tác lúa. Ảnh: Trung Chánh

Chia sẻ giữa bên cung cấp giải pháp và bên nắm giữ nền tảng dữ liệu giúp chuyển đổi số thành công. Trong ảnh là thiết bị ghi nhận dữ liệu mực nước trong canh tác lúa. Ảnh: Trung Chánh

Cơ quan quản lý phải mở cổng dữ liệu

Từ những lợi ích mang lại của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số như nêu trên, vấn đề quan trọng hiện nay, đó là làm sao để mở rộng việc ứng dụng vào thực tế?

Liên quan vấn đề này, theo ông Mộng, bên cạnh xây dựng nền tảng dữ liệu ở những ngành còn thiếu hoặc chưa có, việc mở cổng để có sự giao tiếp giữa bên cung cấp giải pháp chuyển đổi số và bên nắm giữ nền tảng dữ liệu bắt buộc phải thực hiện.

Chẳng hạn, Sorimachi Việt Nam cung cấp giải pháp nhật ký sản xuất để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, tuy nhiên, dữ liệu mã số vùng trồng lại do Cục Trồng trọt quản lý nội bộ nên không phát huy được. “Do đó, Cục Trồng trọt cần mở cổng để đồng bộ dữ liệu hai bên để phát huy”, ông Mộng nhấn mạnh.

Tương tự, Cục Bảo vệ thực vật cũng cần mở cổng dữ liệu về kho thuốc bảo vệ thực vật để hai bên giao tiếp được với nhau, thì người sử dụng dễ dàng biết được loại thuốc nào được hoặc cấm sử dụng, ở những thị trường nào, liều lượng ra sao… để tuân thủ. “Rõ ràng, nền tảng này với nền tảng kia phải kết nối với nhau mới gọi là chuyển đổi số được, chứ ông nào cũng sử dụng nội bộ, thì sao chuyển đổi số thành công”, ông Mộng nhấn mạnh.

Một khi tất cả dữ liệu đã được đồng bộ, rõ ràng việc xác định (chẳng hạn cây lúa) ở một địa phương đang sản xuất diện tích bao nhiêu, thời điểm nào thu hoạch, sản lượng dự kiến, việc sử dụng phân thuốc ra sao…, sẽ biết được ở thời gian thực một cách minh bạch.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vẫn là lĩnh vực mới ở ngành nông nghiệp ĐBSCL, trong khi năng lực của người nông dân/hợp tác xã, thậm chí cán bộ quản lý còn hạn chế. Do đó, việc tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức, nhằm nhân rộng cần thiết phải có.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề nghị Sorimachi Việt Nam cũng như các đơn vị chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số ở Việt Nam tiếp tục tập huấn, đào tạo khoa học công nghệ để nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng, nhất là ứng dụng cho công tác quản trị, sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã.

Xác định việc nâng cao năng lực cũng là nền tảng mở rộng sản phẩm, ông Mộng cho biết, đơn vị này đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, giảng viên, và cả các hợp tác xã điểm. “Ví dụ, vừa rồi chúng tôi tập huấn cho 12 địa phương ĐBSCL, bao gồm cán bộ liên minh hợp tác xã, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và bốn trường đại học”, ông dẫn chứng và cho rằng, đầy là cơ sở để ứng dụng phát triển trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao.

Trong khi đó, giải pháp để mở rộng ứng dụng công nghệ mới như drone, theo gợi ý của bà Hè, tư nhân làm dịch vụ cần tham gia hợp tác xã hoặc một trung tâm để có sự điều phối hoạt động, tránh nơi thừa, nơi thiếu. “Phải qua một đơn vị chủ quản như một trung tâm để điều phối sẽ rất hay, tận dụng được nguồn máy này”, bà nhấn mạnh và cho rằng, nông dân sẽ không đầu tư để tự sử dụng, bởi chi phí rất lớn, khoảng 400-500 triệu đồng/máy.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-day-nhanh-chuyen-doi-so-nong-nghiep-phai-som-mo-cong-du-lieu/