Để công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hiệu quả

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tuy nhiên, khi thực hiện đã phát sinh không ít khó khăn, nhất là ở các thôn vùng cao.

Nhiều hộ sẵn sàng đục thủng ống nước dẫn về khu dân cư để lấy nước sử dụng ở đầu nguồn.

Nhiều hộ sẵn sàng đục thủng ống nước dẫn về khu dân cư để lấy nước sử dụng ở đầu nguồn.

Khó khăn trong duy trì hoạt động

Trưởng thôn Sông Lẫm (xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà) - anh Lù Seo Thành dẫn chúng tôi tới công trình cấp nước sinh hoạt của thôn được nhà nước đầu tư từ năm 2002. Công trình có bể đầu nguồn và ống dẫn tới các khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, hệ thống ống dẫn nước đã rỉ và tắc, nước không thể dẫn về đến khu dân cư, hiện chỉ có 3 hộ được sử dụng nước do ở gần bể tích nước đầu nguồn. Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2018, thôn Sông Lẫm được đầu tư thêm 1 công trình nhưng chỉ phục vụ được 22 hộ, nhiều hộ ở xa không có đường dẫn nước về.

Gặp gỡ người dân thôn Sông Lẫm, phóng viên hỏi về việc thời gian tới người dân sẽ phải nộp tiền sử dụng nước sạch theo quy định thì hầu hết chưa nắm được, ngay cả Trưởng thôn cũng không biết về vấn đề này.

Ông Phàn Văn Dồn, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ cho biết, cũng chỉ nghe nói chứ chưa thấy cơ quan chức năng triển khai. 6 thôn của xã đều có công trình nước sạch đang hoạt động nhưng có công trình hoạt động không hiệu quả. Từ trước tới nay, người dân vẫn dùng nước miễn phí nhưng ý thức bảo vệ công trình còn yếu. Thời gian tới nếu thu tiền sử dụng nước thì không biết sẽ như thế nào?

Giống như thôn Sông Lẫm, công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Láo Vàng Chải của xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) được đầu tư xây dựng năm 2007, cung cấp nước cho 30 hộ, nhưng hiện chỉ hoạt động cầm chừng và phục vụ 4 hộ ở đầu nguồn. Hộ bà Lý Tả Mẩy là một trong những hộ được sử dụng nước. Bà Mẩy cho biết, ngày mới hoàn thành, công trình hoạt động khá tốt nhưng cách đây vài năm, có một số hộ thiếu nước làm ruộng đã phá ngang hệ thống ống dẫn ở đầu nguồn để lấy nước và từ đó nước không còn chảy về cuối nguồn nữa. Công trình này đã được Nhà nước sửa chữa vào năm 2014 và lắp thêm đồng hồ đo nước cho các hộ. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đường dẫn nước lại hỏng, không ai sửa chữa và giờ thì bỏ không, chỉ có bể chứa được gia đình bà Mẩy và 3 hộ khác ở gần đầu nguồn sử dụng.

Anh Lý Láo Tả, Trưởng thôn Láo Vàng Chải đến giờ cũng không còn nhớ trong Tổ quản lý công trình nước sinh hoạt của thôn có những ai. Về việc nộp tiền sử dụng nước, anh cho biết xã đã tuyên truyền nhưng người dân trong thôn không đồng tình vì công trình không còn hoạt động.

Ông Tẩn Láo Ú, Phó Chủ tịch HĐND xã Tòng Sành cho biết: Xã có 6 công trình nước sinh hoạt nông thôn, trong đó có 5 công trình vẫn hoạt động. 6 công trình nước sạch tại xã đều trong diện thu tiền sử dụng nước, xã đã nhiều lần triển khai đến các thôn, nhưng chưa thể thực hiện được do người dân không đồng tình. Đầu năm 2019, xã quyết tâm thực hiện thu và thử nghiệm tại thôn Tả Tòng Sành, nhưng cuối cùng chỉ thu được của 11 hộ là cán bộ xã, còn các hộ dân không nộp. Sau 3 tháng như vậy, tổ quản lý phải dừng hoạt động. Hiện chính quyền xã chưa có giải pháp nào ngoài tuyên truyền cho người dân biết việc thu tiền là để duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước chứ không phải nộp cho riêng ai.

Từ trước tới nay, người dân vẫn quen với việc dùng nước miễn phí.

Từ trước tới nay, người dân vẫn quen với việc dùng nước miễn phí.

Đâu là giải pháp?

Tại một số địa phương khác như Sa Pa và Mường Khương, tình trạng hoạt động của nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ví dụ như xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương) có 11 công trình cấp nước sinh hoạt đang hoạt động nhưng chỉ ở mức cầm chừng, chưa thể thu tiền sử dụng nước đối với các hộ dân.

Một trong những giải pháp duy trì hoạt động các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các xã vùng cao là thu tiền sử dụng nước để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và chi cho hoạt động khai thác, vận hành. Tuy nhiên, việc thu tiền sử dụng nước hiện nay ở các huyện đạt tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, theo Quyết định số 363 ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh, tỉnh giao kế hoạch thu tiền sử dụng nước sinh hoạt cho 551 công trình cấp nước trên địa bàn nhưng đến nay, mới có 189 công trình thu được tiền sử dụng nước.

Huyện Mường Khương được giao thu tiền sử dụng nước tại 143 công trình nhưng hiện chỉ có 42 công trình thu được tiền, trong đó chủ yếu là các công trình ở vùng thấp. Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nhận định, nguyên nhân khó thu tiền nước là do nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hẳn. Trong thời gian tới, huyện sẽ rà soát để sửa chữa các công trình hư hỏng, đồng thời chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền sử dụng nước. Từ năm 2020, huyện sẽ giao kinh phí thu tiền sử dụng nước vào ngân sách các xã để nâng cao trách nhiệm thực hiện, nâng cao chất lượng các công trình.

Bên cạnh việc giao thu tiền nước tại các huyện, một giải pháp nữa được UBND tỉnh đưa ra là giao công trình cấp nước cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tham gia khai thác, quản lý. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao thử nghiệm 23 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các huyện: Văn Bàn, Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Tỉnh cũng đề nghị các huyện nghiên cứu, đề xuất giao công trình cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tham gia khai thác để đem lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.042 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung, trong đó có 295 công trình hoạt động tốt, 340 công trình hoạt động bình thường, 243 công trình hoạt động kém hiệu quả, 164 công trình không hoạt động. Trong thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với các huyện để tuyên truyền tới người dân, đồng thời tham mưu cho tỉnh chỉ đầu tư công trình cấp nước mới cho địa phương sẵn sàng tham gia thu nộp tiền nước.

Đức Toàn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/de-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-nong-thon-hieu-qua-z3n20191213161928536.htm