Để công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vượt 7% GDP
Được coi là 'đất vàng' và là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển, nhưng đến nay công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam vẫn chưa thực sự 'cất cánh'. Làm thế nào để thực sự phát huy những tiềm năng sẵn có để phát triển CNVH, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững, hướng tới mục tiêu đề ra là đóng góp 7% GDP của đất nước vào năm 2030? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về CNVH và đang kỳ vọng rất nhiều về sự phát triển các ngành CNVH. Cá nhân ông có nhiều niềm tin, sự lạc quan về sự phát triển của lĩnh vực này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Cách đây khoảng 4-5 năm, khái niệm CNVH còn rất mới ở Việt Nam. Nhiều người vẫn nghĩ rằng CNVH là làm văn hóa theo cách thức của công nghiệp và chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa, giá trị của phát triển CNVH. Việc CNVH được quan tâm là tín hiệu rất lạc quan đối với những người theo đuổi lĩnh vực này. Bởi vì nhận thức là yếu tố rất quan trọng. Nếu chúng ta nhận thức đúng, đầy đủ, phù hợp về vị trí, vai trò, ý nghĩa của CNVH đối với sự phát triển bền vững đất nước thì chúng ta sẽ có những hành động giúp cho phát triển CNVH phù hợp hơn.
Thời gian qua, chúng ta có rất nhiều chuyển biến, từ nhận thức, từ hành lang luật pháp đến thực tiễn cuộc sống khiến chúng ta quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa, đồng thời giúp cho CNVH phát triển tốt hơn. Nhận thức của chúng ta củng cố thông qua Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ nhiệm vụ xây dựng các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, năm 2016, chúng ta đã xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Gần đây nhất, chúng ta đã xây dựng được hành lang pháp lý cho phát triển CNVH. Cụ thể là Luật Điện ảnh được sửa đổi theo hướng xây dựng ngành CN điện ảnh. Các cơ chế, chính sách phát triển CNVH đã được bàn thảo rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo. Ví dụ trong Hội thảo về văn hóa của Quốc hội năm 2022, khi bàn về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa, có đến 80% số tham luận đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến CNVH. Thực tiễn cuộc sống còn sôi động hơn. Nổi bật gần đây nhất ở Hà Nội là sự kiện ban nhạc Blackpink biểu diễn 2 đêm, tạo ra hơn 300 tỷ đồng, bằng rất nhiều doanh nghiệp đóng thuế cho Thủ đô. Tuần lễ thiết kế sáng tạo của Hà Nội được tổ chức lần thứ 3, mỗi lần đều có sự thay đổi, giúp Hà Nội trở thành không gian sáng tạo thực sự, không chỉ đáp ứng yêu cầu của UNESCO khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo năm 2019 mà thực sự đã khiến không khí sáng tạo lan khắp Thủ đô. Tiếp theo Hà Nội, chúng ta có thêm Hội An, Đà Lạt tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO… Không khí sáng tạo, mối quan tâm đến việc làm thế nào để khai thác những giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là những tín hiệu vô cùng tích cực và tràn đầy lạc quan để chúng ta nghĩ về sự phát triển của các ngành CNVH.
PV: Chiến lược phát triển các ngành CNVH đã đặt mục tiêu đến năm 2030, CNVH đóng góp 7% GDP. Con số này tiếp tục được nhắc lại trong hội nghị về phát triển các ngành CNVH mới đây. Ông nghĩ gì về mục tiêu này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đặt mục tiêu các ngành CNVH đóng góp 7% GDP dựa trên các mức đã tham khảo của nhiều nước đi tiên phong trong lĩnh vực CNVH vào thời điểm chúng ta xây dựng Chiến lược phát triển CNVH là năm 2016. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đến thời điểm 2019, chúng ta đã đạt 6%, nhưng do đại dịch, đến năm 2022 đạt khoảng 4%. Từ những gì mà chúng ta đã chứng kiến, từ xu hướng phát triển các ngành CNVH của các quốc gia trên thế giới mà chúng ta đang cố gắng, nỗ lực để áp dụng, có thể thấy, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển các ngành CNVH. Ví dụ, tour diễn toàn cầu của Taylor Swift mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD. Ban nhạc BTS đóng góp đến 5 tỷ USD/năm cho Hàn Quốc. Đây là những ví dụ truyền cảm hứng cho chúng ta phát triển các ngành CNVH. Ở trong nước, lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc có doanh thu lớn. Chúng ta thấy làn sóng âm nhạc Việt Nam với những nghệ sĩ trẻ tài năng dần chiếm được sự quan tâm của giới trẻ. Du lịch văn hóa cũng đóng góp rất lớn đối với phát triển CNVH…
Bên cạnh các ngành CNVH do Bộ VHTTDL quản lý còn có 7 ngành CNVH khác đang có xu thế phát triển, mức độ tăng trưởng còn cao hơn so với bình quân GDP của đất nước, trong đó có thiết kế, thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí. Tôi tin rằng, khi tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực này và phát triển chúng, CNVH sẽ có đóng góp nhiều hơn vào GDP của đất nước, có thể đạt hoặc vượt 7% GDP, nếu như chúng ta có những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn, phát huy được không khí sáng tạo, tinh thần sáng tạo trong mỗi người dân trong toàn xã hội.
PV: Thực tế, cơ chế, chính sách đang bị than phiền là tạo nhiều điểm nghẽn trong phát triển CNVH. Theo ông, chúng ta cần làm gì để tháo gỡ các điểm nghẽn này để CNVH thực sự phát triển?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng là thể chế, chính sách, luật pháp của chúng ta chưa hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của CNVH. Hiện nay chúng ta mới chỉ có Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 là đi theo hướng phát triển của CNVH. Hệ thống các chính sách và luật pháp liên quan đến CNVH còn thiếu nhiều, không chỉ là các luật liên quan đến cả 12 ngành CNVH, mà còn ở cả các luật có liên quan gián tiếp nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng đến phát triển CNVH như đất đai, thuế, phí, hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công, tài trợ và hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa... Bên cạnh đó, nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người vẫn coi CNVH là một lĩnh vực thuần túy kinh tế, ít chứa đựng giá trị văn hóa, chạy theo đồng tiền, nên coi nhẹ các sản phẩm văn hóa, không định hướng, thậm chí buông lỏng quản lý. Ngược lại, có nơi, có lúc, có người lại dị ứng với phát triển CNVH, coi văn hóa là lĩnh vực đặc biệt, cần lánh xa sự chi phối của kinh tế thị trường. Cả hai điều này cần phải được nhận thức lại, thống nhất rõ ràng hơn. Tôi cho rằng, sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt, vì thế, nó vừa phải theo đúng quy luật của thị trường như quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, nhưng vừa phải được điều tiết theo những giá trị đạo đức, nhân văn của văn hóa.
PV: Tại hội nghị phát triển các ngành CNVH vừa qua, có ý kiến cho rằng, sản phẩm CNVH là một tài sản trí tuệ. Chúng ta cần coi đây là tài sản được định giá, nhà sản xuất có thể mang đi cầm cố, tiếp cận vay vốn ngân hàng như nhiều hàng hóa thông thường. Ông thấy ý kiến này có khả thi?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một ý tưởng rất thú vị nhưng khó khả thi trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Vì lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Những sản phẩm ở đó rất khó định giá được. Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, một trong những khó khăn chung là việc xác định định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng ta không định giá được một kịch bản, một bộ phim là bao nhiêu tiền, không thể định giá một bức tranh bằng tiền sơn, tiền toan, các loại tiền nguyên vật liệu để tạo ra bức tranh đó. Trong các lĩnh vực văn hóa khác cũng tương tự. Chính vì vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, thay vì việc cố gắng định giá các sản phẩm như thế, người ta xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ có các quỹ đầu tư mạo hiểm mới đặt niềm tin vào việc một sản phẩm văn hóa nghệ thuật có thể thành công hay không, từ đó mới có đầu tư phù hợp với niềm tin của họ. Đây là một trong những vấn đề mà chúng ta cần phải hoàn thiện hơn trong thời gian sắp tới. Chúng ta cần có thêm các quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước hoặc của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn ở trong nước, từ đó chúng ta tạo điều kiện nhiều hơn để phát huy các sáng tạo của các cá nhân, tạo ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế thị trường.
PV: Theo ông, nếu CNVH vận hành theo cơ chế thị trường, liệu văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống có thực sự tồn tại, phát triển được hay không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta coi sản phẩm văn hóa là sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt. Có những thứ chúng ta phải để nó vận hành theo nền kinh tế thị trường, có những thứ chúng ta cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Phát triển CNVH nhưng chúng ta vẫn phải bảo vệ văn hóa của chính mình, không nên để yếu tố thị trường chi phối hoàn toàn sự tồn tại hay phát triển của văn hóa. Vì thế, khi xây dựng các nghị quyết về văn hóa, chúng ta luôn có yếu tố then chốt là phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa nào cũng phải có gốc, có giá trị, bản sắc của nó. Từ các giá trị gốc đó, chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu hơn giá trị của mình. Làm theo cách đó, chúng ta sẽ hội nhập mà không bị hòa tan. Như thế, những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, chúng ta phải giữ bằng bất cứ giá nào. Với tuồng, chèo, cải lương…, không phải vì nó không phù hợp với thị hiếu của hiện tại mà chúng ta không gìn giữ, phát triển, mặc dù có thể ngay thời điểm này, nó không phù hợp với nhu cầu, thị hiếu. Ở chiều ngược lại, chúng ta không thể chỉ giữ nguyên, không chịu thay đổi, làm mới, sáng tạo các loại hình nghệ thuật này. Chúng ta cần kết hợp giữa các hình thức bảo tồn khác nhau, vừa bảo tồn nguyên vẹn nhưng vẫn phải bảo tồn kế thừa, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới, từ đó thu hút sự quan tâm của xã hội đối với loại hình nghệ thuật này. Chỉ khi xã hội, đặc biệt là giới trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống dân tộc thì mới đến thưởng thức, tìm cách sáng tạo, làm ra những sản phẩm mới. Những gì mà Hà Myo làm như Xẩm Hà Nội, Hoàng Thùy Linh với “Để Mỵ nói cho mà nghe”… chính là cách các bạn trẻ tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, từ đó sáng tạo, từ đó chúng ta quan tâm nhiều hơn... Như thế, chúng ta phải có sự hỗ trợ cho các loại hình nghệ thuật này tồn tại, dần nhận được sự hưởng ứng của người dân, giúp cho các giá trị của chúng thẩm thấu vào văn hóa dân tộc, từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ phát triển văn hóa vừa đa dạng, phong phú, hấp dẫn, vừa có định hướng về chân, thiện, mỹ cho xã hội.