Để có lương hưu đủ sống khi về già
BHXH là một trong những trụ cột an sinh xã hội. Đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái.
Vượt qua khó khăn dịch bệnh
Theo BHXH Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, cho biết tốc độ phát triển BHXH, BHYT đã chững lại khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động; thu nhập của người dân, người lao động bị giảm sút, nhiều người lâm vào khó khăn nên không thể tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.
Các hoạt động truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện theo hình thức hội nghị tập trung cũng phải tạm hoãn để thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến số người tham gia chững lại. Việc các DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản, người lao động phải ngừng việc (chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT.
9 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHXH là 15,51 triệu người, đạt tỉ lệ 94,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm khoảng 31,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,67 triệu người, tăng 104,6 nghìn người so với tháng 8-2020, đạt 93% kế hoạch. Số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao là 1,1 triệu người. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 844,7 nghìn người, tăng 58,6 nghìn người so với tháng 8-2020, tăng 381,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Số người tham gia BHTN là 12,92 triệu người, đạt tỉ lệ khoảng 26,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 104,9 nghìn người so với tháng 8-2020.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã thực hiện giải quyết cho 94.913 người hưởng BHXH hàng tháng và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số người giải quyết hưởng chế độ hưu trí là 79.499 người, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019, giải quyết cho 646.812 người hưởng các chế độ BHXH một lần, 816.951 người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019.
Thời gian qua nhiều giải pháp đã được ngành BHXH triển khai để hút người dân tham gia BHXH, BHXH tự nguyện cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến đầu tháng 7, có 1.519 đơn vị đã tạm dừng đóng quỹ, tương ứng 130.794 lao động với số tiền khoảng 475 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Sửa thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh với sự nỗ lực của toàn ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng vượt kế hoạch.
Để nâng cao hơn nữa tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện mới đây BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Theo đề xuất, mức hỗ trợ đối với hộ nghèo nâng từ 30% lên 50%; hộ cận nghèo từ 25% lên 30%, và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Cùng đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mới đây Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đề xuất cần có quy định cụ thể, rõ ràng về hợp đồng lao động nói chung và các loại hợp đồng khác phải tham gia BHXH nói riêng. Sớm thể chế hóa để nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng không có hợp đồng lao động được tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã... không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
BHXH Việt Nam cũng đề xuất sửa đổi quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động thấp nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lượng của người lao động. Cần quy định xử lý nợ đối với đơn vị phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn còn nợ nhưng không còn khả năng trả nợ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tới đây BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Đóng BHXH hay gửi tiết kiệm?
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện nay, hầu hết người dân chưa có thông tin đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện. Người dân thường so sánh, BHXH bắt buộc có 5 chế độ nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết, hưởng 5 chế độ vì người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng tiền cho 5 chế độ, hưởng 2 chế độ vì người dân chỉ đóng tiền cho 2 chế độ. Trong khi đó, nếu đóng cả 5 chế độ thì với người lao động tự do, không có sự đóng góp cùng của doanh nghiệp sẽ là một gánh nặng lớn.
Về số tiền hưởng BHXH tự nguyện, nhiều người nghĩ là không hấp dẫn, không bằng việc gửi tiết kiệm. Trong khi với một phép tính đơn giản như: Nếu người dân đóng BHXH tự nguyện 22% trên mức 700.000 đồng của chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì trong vòng 20 năm khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì nhận lương hưu mỗi tháng được 400.000 đồng lớn hơn rất nhiều số tiền đóng hằng tháng 154.000 đồng; cũng lớn hơn số tiền trợ cấp của Nhà nước 270.000 đồng/tháng cho người từ 80 tuổi. Mà số tiền này, người dân được hưởng ngay từ năm 55, 60 tuổi, không phải đợi đến 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, số tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng lên theo chính sách tiền lương của Nhà nước. Chỉ một phép tính đơn giản có thể thấy chính sách BHXH tự nguyện mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia.
Giao lưu trực tuyến: "Tham gia BHXH hậu Covid-19"
Tiếp tục tham gia BHXH thế nào trong bối cảnh doanh nghiệp phá sản, giải thể để do dịch Covid-19 để sau này hưởng lương hưu. Mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh tăng thế nào sau dịch Covid-19? Đóng BHXH hay gửi tiết kiệm?...
Để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của bạn đọc về việc tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thế nào sau đại dịch Covid-29, Báo Người Lao Động phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến chủ đề: "Tham gia BHXH hậu Covid-19"
Chương trình diễn ra từ 9-11 sáng 28-10 tại nld.com.vn, với sự tham gia của các khách mời:
- Đại diện ban Thu, BHXH Việt Nam
- Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam
- Đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh
- Đại diện Trung tâm Tư vấn Pháp luật hội TP HCM.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/de-co-luong-huu-du-song-khi-ve-gia-20201025223233947.htm