Đề án khuyến công giúp doanh nghiệp tự tin hội nhập
Với sự hỗ trợ kịp thời và tích cực từ đề án khuyến công năm 2022, các chương trình hỗ trợ thiết bị, máy móc, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh tự tin hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Nhiều DN đã vươn lên xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh.
Công nghệ giúp DN tự tin hội nhập
Năm 2022, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài được hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công địa phương và đã đầu tư máy phân loại gạo hiệu Model 6SXZ-68 công suất 500-700kg/giờ. Đây là thiết bị công nghệ mới. Máy phân loại gạo này khắc phục được nhược điểm của loại máy trước đây là năng suất và độ chính xác chưa cao, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Anh Phan Thế Dũng, nhân viên kỹ thuật công ty khẳng định: “Khi sử dụng thiết bị công nghệ mới trong chế biến, chất lượng gạo có sự cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng”.
Việc áp dụng công nghệ máy tách màu, phân loại gạo đã giúp công ty mở rộng đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và chi phí nhân công, tăng doanh thu. Đây là cơ sở để bà Lê Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut tin tưởng hướng đến mục tiêu xa hơn. “Chúng tôi muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm gạo sạch, chất lượng tốt, giá thành phù hợp và xa hơn là xây dựng thương hiệu gạo sạch cho Bình Phước”.
Mới đây, Công ty TNHH MTV Gia Phú, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cũng đã đầu tư máy cắt CNC, model 1325. Anh Nguyễn Phú Hương Thảo, Giám đốc công ty cho biết, từ khi đầu tư máy CNC, trung bình 1 giờ cắt được 1.800m ván, 1 ngày cắt được khoảng 14.400m, tương đương 15 lao động thủ công. Máy CNC công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thị trường hiện nay tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, đạt chất lượng về kiểu dáng và mẫu mã.
“Việc ứng dụng máy cắt CNC vào sản xuất với công nghệ tự động đã giúp DN mới khởi nghiệp như chúng tôi giảm chi phí do tiết kiệm thời gian và nhân công, đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu tiếng ồn, hạn chế khói bụi. Không chỉ vậy còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tính thẩm mỹ và độ chính xác cao, đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm mộc gia dụng” - anh Nguyễn Phú Hương Thảo hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Tăng lợi thế cạnh tranh cho DN
Năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương triển khai 15 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 13 đề án đã được triển khai thực hiện. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ không lớn nhưng đã góp phần giúp các cơ sở CNNT giải quyết một phần bài toán khó về vốn trong quá trình đầu tư thay đổi công nghệ, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Với máy cắt CNC, model 1325, Công ty TNHH MTV Gia Phú, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài trung bình 1 giờ cắt được 1.800m ván
Với sự hỗ trợ tích cực từ đề án khuyến công, năm 2022, Bình Phước có 36 sản phẩm, nhóm sản phẩm được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong đó, hội đồng đã chọn 18 sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu biểu nhất đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực do Cục Công nghiệp địa phương tổ chức vào cuối tháng 11-2022. Những sản phẩm sau khi được công nhận sẽ ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư mở rộng sản xuất, được phép in hoặc dán nhãn hiệu, biểu trưng, logo sản phẩm CNNT tiêu biểu của Bộ Công Thương.
Bà NGUYỄN THỊ SÁU, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Bình Phước
Bà Nguyễn Thị Sáu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tin tưởng: “Các hoạt động chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc từ đề án khuyến công còn góp phần nhân rộng mô hình, tuyên truyền chính sách khuyến công rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, khuyến khích các cơ sở CNNT trên địa bàn đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.
Với mục tiêu hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất CNNT mở rộng đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân công…, đề án khuyến công địa phương đã giúp các cơ sở CNNT trong tỉnh tăng doanh thu, từ đó đóng góp vào ngân sách. Đồng thời phát huy lợi thế cạnh tranh, tận dụng nguyên liệu địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.