Đề án 'cho thuê vỉa hè' ở Hà Nội: Tránh đối tượng xăm trổ trông giữ xe, thu tiền quá quy định
Theo khảo sát, có 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí để sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh và trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề án đang được lấy ý kiến, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Sáng 19/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
273 tuyến phố đủ điều kiện áp dụng
Dự thảo đề án của thành phố Hà Nội có tham khảo kinh nghiệm quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông tại một số quốc gia trên thế giới: Mỹ, Pháp, Singapore...; và kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố trong nước: TPHCM, Hội An (Quảng Nam), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Theo đề án, sẽ khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm.

Một trong những mô hình đề xuất thực hiện khi khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho mục đích kinh doanh. Ảnh: BTC.
Thành phố đặt ra một số tiêu chí áp dụng như: Hè phố cho phép kinh doanh phải có hè phố chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); đảm bảo chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; kinh doanh đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, UBND cấp huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho phép hè phố kinh doanh; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép (thời gian cấp phép, thời gian kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, hộ kinh doanh di động); các mô hình các tuyến phố được khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm.
Theo báo cáo, căn cứ đặc điểm của các tuyến phố theo nội dung khảo sát, đánh giá hiện trạng, có 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí để sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh và trông giữ phương tiện giao thông. Đề án cũng đề xuất 9 mô hình sử dụng, phù hợp với từng loại hình tuyến phố.
Trong danh sách, có các tuyến phố nổi bật như: Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dã Tượng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền, Hàm Long, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ, Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân...
Đừng để xảy ra mâu thuẫn, xung đột lợi ích
Góp ý với đề án, ông Lê Văn Hoạt - nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc triển khai đề án là cần thiết để phục vụ nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, ông Hoạt cho rằng, vấn đề này đã đặt ra từ lâu, có diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều. Ông Hoạt nêu quan điểm, lòng đường, vỉa hè cần ưu tiên mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao thông, ví von như một dòng sông, nếu "ngăn lại, đào ao thả cá" thì sẽ mất tác dụng. Khi triển khai đề án, theo ông Hoạt, cần công khai, minh bạch, đảm bảo không bị khiếu kiện.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PV.
KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý, quy định về lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi thời điểm lại có các quy định khác nhau. Vì thế, đề án nhấn mạnh yếu tố "tạm thời" là cần thiết, để có thể sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Ông Nghiêm cho rằng, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò, chức năng của vỉa hè, lòng đường để có những định nghĩa phù hợp, từ đó đề án sẽ triển khai thuận lợi hơn, sát thực tiễn hơn.
Theo ông Nghiêm, cũng cần lưu ý việc triển khai đề án ở phạm vi nào, có toàn thành phố hay không, bởi không phải ở vị trí nào cũng có thể áp dụng được (như nội thành, ngoại thành). Cùng với đó, quan trọng là không được để xảy ra mâu thuẫn khi thực hiện đề án, bởi việc sử dụng vỉa hè, lòng đường liên quan nhiều đối tượng. Với các trụ sở công sở, cơ quan, trường học... thì có được thực hiện theo đề án không. Ông Nghiêm cho rằng, đây là "một cuộc cách mạng", bởi liên quan, tác động đến người dân, cần có các giải pháp tránh xung đột lợi ích.
Nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Bạch Thành Định góp ý, đề án cần nghiên cứu kỹ về đặc trưng từng tuyến phố, khung thời gian phù hợp để thực hiện có hiệu quả. Ví dụ, có tuyến phố ban ngày kinh doanh được, nhưng ban đêm không hiệu quả. Có tuyến phố buổi sáng tắc đường, mà lại sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho trông giữ xe thì không ổn.
Ông Định cũng lưu ý việc không phải cấp phép là xong, mà còn phải tổ chức quản lý, ví dụ như cho kinh doanh mặt hàng gì, ai là người kiểm tra, giám sát, duy trì thường xuyên. Rồi vấn đề rác thải, làm sao để đảm bảo môi trường đô thị. Vấn đề nữa, cần tránh tình trạng những đối tượng xăm trổ đứng ra trông giữ xe, thu tiền quá quy định...
Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu sâu về vỉa hè, để có ứng xử phù hợp; cùng với đó, cần làm rõ, minh bạch, công khai các đối tượng được sử dụng... đồng thời có chế tài xử lý phù hợp khi có vi phạm.
Thí điểm trên tuyến phố Quang Trung
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, quận đã chuẩn bị các kế hoạch, điều kiện, giải pháp cần thiết để triển khai thí điểm đề án này. Theo đó, quận sẽ tập trung vào ban hành quy chế quản lý với các quy định cụ thể, xác định các bộ tiêu chí cần thiết, xác định các tuyến phố đủ điều kiện, quy định về loại hình kinh doanh, thời gian kinh doanh. "Việc này sẽ công khai để người dân nắm rõ", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, hiện quận đã triển khai thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, việc này sẽ được áp dụng rộng rãi khi triển khai thực hiện đề án. Quận cũng xây dựng cơ chế xử lý các hành vi vi phạm; xây dựng bộ tiêu chí để các phường thực hiện giám sát, xử lý.
Ông Tùng thông tin, quận sẽ phân các tuyến phố ra các nhóm như phục vụ du lịch, tuyến phố đi bộ; nhóm tuyến phố kinh doanh có kiểm soát; nhóm phục vụ trông giữ xe. Với các vỉa hè quanh các trụ sở, cơ quan, trường học, sẽ không thực hiện đề án. Khi thí điểm, quận sẽ xác định diện tích sử dụng cho từng tuyến phố, triển khai giám sát định kỳ và lấy ý kiến người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, dự kiến khi cấp có thẩm quyền cho phép, quận sẽ thí điểm đề án tại phố Quang Trung (phường Trần Hưng Đạo) trong 6 tháng, sau đó sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có thể triển khai rộng rãi.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, mục đích chính của đề án là khắc phục được những bất cập trong quản lý, khai thác sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường trong thời gian qua. Mục tiêu chính của đề án là quản lý trật tự đô thị, tiếp đó mới là vấn đề liên quan khai thác phục vụ cho mục đích kinh tế và giải quyết vấn đề về an sinh xã hội.