ĐBQH tranh luận về Luật phòng chống tham nhũng

Kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực công… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và tranh luận quyết liệt khi thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 13/6.

Nên hay không mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật?

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.

“Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn giúp phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công”, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhìn nhận và đề nghị cùng với việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể này.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp và làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

“Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công,” đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Mặc dù đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực tư, tuy nhiên, để quy định này có tính khả thi cao, đại biểu lưu ý việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư phải không làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực công đã và đang được thực hiện hiệu quả. Hay nói cách khác, phòng chống tham nhũng trong khu vực công vẫn là chủ đạo. Cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư, bởi, phòng chống tham nhũng trong khu vực công còn khó khăn, phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, để xảy ra tham nhũng ở khu vực nào cũng là có lỗi với dân

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, để xảy ra tham nhũng ở khu vực nào cũng là có lỗi với dân

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị thận trọng trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự luật bởi phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiện còn chưa làm tốt sẽ khó có nguồn lực, công sức để thực hiện ở khu vực tư.

“Liệu chúng ta có thể làm được không hay là ghi vào luật chỉ làm thêm rắc rối. Từ bất lực một đến bất lực hai dẫn đến chỗ Nhà nước ta có lỗi hơn với người dân và lỗi hơn với cử tri. Tôi đề nghị cân nhắc chỗ này, chúng ta tập trung mọi nguồn lực, mọi trí tuệ để chống quyết liệt ở khu vực công” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tỏ ra khá quyết liệt: “Đại biểu Nhưỡng nói chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì làm sao nhãng chống tham nhũng ở khu vực nhà nước thì như vậy có lỗi với dân. Tôi nghĩ việc để tình trạng tham nhũng ở khu vực nào thì cũng đều là có lỗi và ở đâu cũng phải chống tham nhũng và việc chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước tôi nghĩ xuất phát từ thực tiễn. Tôi đồng tình rất cao với ý kiến của đại biểu Phương Hoa của Nam Định phát biểu, tôi nghĩ phân tích đó chính xác.

Thứ hai, tôi đã lấy một ví dụ về chuyện liên quan đến các hiệp hội, trong đó có hiệp hội VATAP, tức là Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam mà vinh danh 10 tốp thương hiệu về thuốc sản xuất bằng than tre để chữa bệnh ung thư. Thưa với Quốc hội, đấy là khu vực ngoài nhà nước, để tình trạng như vậy thì có lỗi với dân hay không? Tôi xin hỏi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng?” - ông Cương đặt câu hỏi

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Dự luật chỉ bước đầu mở rộng phạm vi ở khu vực tư, giới hạn ở các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng bởi huy động vốn của nhân dân nên cần có sự kiểm soát chứ không phải cả khu vực tư. Nếu nói không rõ, doanh nghiệp, nhân dân và cử tri thấy rằng mình đang đánh lạc hướng, trong khi khu vực công là khu vực cần phải phòng, chống tham nhũng một cách triệt để và hữu hiệu”.

Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc: Nhiều quan điểm trái chiều

Điều 59 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.

Thảo luận về quy định này, theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai. Xét dưới góc độ luật học thì những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp.

Đai biểu Nguyễn Lân Hiếu: "Không có lý do gì chỉ đóng thuế thu nhập từ 1-2 triệu/ năm mà mua được nhà, được xe"

Đai biểu Nguyễn Lân Hiếu: "Không có lý do gì chỉ đóng thuế thu nhập từ 1-2 triệu/ năm mà mua được nhà, được xe"

Đồng ý phương án thu thuế, đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) nhận định nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế, còn chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng quá trình xây dựng luật cần cân nhắc yếu tố tâm lý, tập quán văn hóa vì nhiều người không muốn công khai các tài sản thừa kế, cho tặng. Việc không quy định rõ thế nào là “giải trình không hợp lý” có thể khiến kết quả đánh giá phụ thuộc vào cảm tính của cơ quan kiểm soát, từ đó dẫn đến tranh luận, khiếu nại do bất đồng quan điểm.

Tranh luận lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nhấn mạnh các khoản thu nhập hiện nay từ buôn bán, thừa kế, cho tặng, trúng xổ số… đều kê khai thuế thu nhập cá nhân và việc này được quản lý khá chặt chẽ. Tại sao chúng ta không thiết kế thêm điều kiện phải khai thuế thu nhập hàng năm với những vị trí có nguy cơ tham nhũng để có cơ sở so sánh.

“Công khai để người dân biết thì dễ giám sát, không có lý do gì chỉ đóng thuế thuế thu nhập từ 1-2 triệu/năm mà mua được nhà, xe” – ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ?

Bày tỏ đồng tình với dự thảo luật trong việc giao cơ quan thanh tra tập trung kiểm soát tài sản, nhưng đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) băn khoăn với bộ máy, nhân lực hiện nay thì liệu có thực sự hiệu quả.

ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, Đảng và Nhà nước ta thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá thì việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

“Phương án khác là có thể xem xét là thành lập cơ quan độc lập chuyên trách. Điều này đảm bảo tính độc lập cần thiết, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan tổ chức, người có trách nhiệm từ đó hứa hẹn sự khách quan, minh bạch… Đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và tương lai", bà Cao Thị Xuân nêu ý kiến.

Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị thành lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ

Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị thành lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng nên thành lập lực lượng kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập lực lượng chuyên trách không làm tăng biên chế bởi Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao và Bộ Công an đều có lực lượng này. Chỉ cần lấy người từ 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiện nay để kế thừa kinh nghiệm và không làm tăng biên chế.

"Tôi đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và cơ quan này trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Nguyễn Văn Pha kiến nghị.

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quoc-hoi-nong-khi-thao-luan-luat-phong-chong-tham-nhung-d75157.html