ĐBQH TRẦN KHÁNH THU: CHỌN PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU NHẤT KHI QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG BHXH MỘT LẦN

Phát biểu tại Hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cần chọn phương án tối ưu nhất khi quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần, hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động.

Hài hòa quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Đại biểu Trần Khánh Thu đánh giá cao các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan đã tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và làm rõ hơn nhiều vấn đề, bổ sung hồ sơ minh chứng cho các vấn đề còn nhiều ý kiến. Tuy nhiên, đây là 1 dự án Luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng. Dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều, tăng 11 Điều mới và chỉnh lý ở hầu hết các Điều.

Quan tâm tới các quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần (Điều 74 và Điều 107), đại biểu Trần Khánh Thu phân tích, bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về BHXH một lần phải bảo đảm mục tiêu kép, vừa phải thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH (Giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần), vừa hài hòa quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời, bảo đảm nguyên lý của BHXH. Với mục tiêu phát triển hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, bền vững và tiếp cận chuẩn mực quốc tế, theo nguyên tắc đóng – hưởng có sự sẻ chia giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, gắn kết trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội, tiến tới BHXH toàn dân.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, tháng 4/2024 đã có 121.873 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần, cao nhất từ trước đến nay, dự báo nếu đà tăng này tiếp tục thì năm 2024 ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH một lần. Ở giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm có hơn 700 nghìn người hưởng BHXH một lần. Riêng năm 2022, có gần 900 nghìn người hưởng BHXH một lần. Trong khi Mục tiêu của Nghị quyết 28 đặt ra là tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2021; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025; BH thất nghiệp đạt 35% vào năm 2025.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam đến hết năm 2023, số người tham gia BHXH là 18,418 triệu người, tăng 5,25% so với năm 2023; đạt 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; Số người tham gia BHTN là 14,791 triệu người, tăng 3,22% so với năm 2022; đạt tỷ lệ 31,52% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhưng số người hưởng các chế độ BHXH cũng đều tăng (Tính đến hết ngày 31/12/2023: đã giải quyết cho 108.441 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (trong đó có 86.778 người hưởng lương hưu, tăng 2,45% so với năm 2022); 1.407.397 người hưởng các chế độ trợ cấp BHXH một lần (trong đó 1.202.714 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần, tăng 20,58% so với năm 2022). Điều này có nghĩa là hàng triệu người lao động bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.

Chọn phương án tối ưu nhất khi quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần

Đại biểu chỉ ra rằng, Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn khi theo tổ chức lao động, bản chất BHXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên trong xã hội thông qua một loạt các biện pháp công cộng để đối phó với các rủi ro, trước hết là khó khăn về kinh tế - xã hội do bị ngừng hoặc giảm nhiều về thu nhập gây ra bởi ốm đau, mất khả năng lao động, tuổi già và chết, cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Xu hướng chung của thế giới tiếp cận chính sách BHXH trên cơ sở thực hiện và bảo đảm quyền con người, theo hướng phổ quát (BHXH toàn dân). Từ đó thiết kế chính sách BHXH đa tầng theo nguyên tắc đóng – hưởng, có sự sẻ chia trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung, được nhà nước bảo hộ và tham gia đầu tư phát triển bền vững quỹ.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội; hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già, trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và dự báo đến năm 2036, nước ta sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 14%.

Theo đại biểu, về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động mất việc làm, bệnh tật, ... để vượt qua khó khăn trước mắt.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật. Luật chỉ ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng – hưởng, khi một đạo luật tốt sẽ tạo sự an tâm cho người dân, người lao động dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, sự an toàn cân đối, tăng trưởng của quỹ BHXH trong dài hạn và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87102