ĐBQH: Muốn tăng trưởng từ 8% trở lên, cần giao KPI cho cán bộ, công chức
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng, cần có chỉ tiêu đánh giá KPI, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức Nhà nước định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
Nhất trì với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ nhưng đại biểu Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng cần có thêm giải pháp để hiện thực hóa.
Một trong những giải pháp được ông Thân nhắc đến là Chính phủ cần có chỉ tiêu đánh giá KPI, đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
"Những người hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được tặng bằng khen, tặng thưởng theo cấp bậc khác nhau, thậm chí được cả đề bạt, thăng chức", đại biểu Thân nêu ý kiến.
![Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_83_51484960/8983e20cd142381c6153.jpg)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).
Ông Thân cũng đề xuất các dự án không nên quá tập trung vào đấu thầu. Cái gì thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ, thuộc tỉnh thì người đứng đầu quyết. Hiện đấu thầu mất nhiều thời gian mà chưa chắc tránh được tiêu cực, ông Thân nhìn nhận.
Vấn đề nữa, ông Thân đề cập là các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ gì thì làm nhiệm vụ đó, không lấn sân nhiệm vụ khác, như thế mới tập trung được nguồn lực và đánh giá được hiệu quả. Cùng với đó là tin tưởng giao nhiệm vụ dự án cho doanh nghiệp tư nhân, vì “doanh nghiệp tư nhân của chúng ta bây giờ lớn rồi”.
Đề xuất nữa được vị đại biểu Thái Bình nêu là cần dỡ bỏ các nút thắt của dự án, vi phạm, hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Theo bộ trưởng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trên cơ sở đề án này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%; Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.