Đẩy nhanh chương trình MTQG tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam được phân bổ gần 1.227 tỷ đồng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả vốn năm 2022 chuyển sang). Đến ngày 31/10/2023, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân gần 310 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch năm, vốn sự nghiệp giải ngân gần 5 tỷ đồng, gần 10% kế hoạch.

Tỉnh Quảng Nam làm gì để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Ra Diêu, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam về nội dung này.

Bộ mặt nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng khởi sắc.

PV: Thưa ông, năm 2023, các bộ ngành Trung ương đã có nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xin ông cho biết, năm nay, chương trình này ở Quảng Nam có thuận lợi hơn không?

Ông Hà Ra Diêu: Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia trên 10 dự án từ năm 2021 đến nay. Trong quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới tích hợp 118 cơ chế, chính sách về vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành 1 chương trình. Năm 2023, Thông tư 15 của Bộ Tài chính, sau này đổi lại thành Thông tư 55 hướng dẫn giải ngân vốn đầu tư sự nghiệp là một trong những thông tư tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ cũng đã thay đổi một số điều trong Nghị định 27 thành Nghị định 28 và thay đổi cơ bản về các nội dung. Đặc biệt, trong đó xác định rõ tài sản hình thành sau hỗ trợ. Nguồn hỗ trợ sau đầu tư mang tính chất sự nghiệp thì tài sản của nhà nước hỗ trợ là tài sản người dân. Đáng chú ý là dự án 2 về sắp xếp khu dân cư, tiểu dự án chuỗi cây trồng vật nuôi cho người dân đã được gỡ vướng trong quá trình thực hiện.

Cán bộ ở khu vực miền núi bám sát cơ sở, động viên người có uy tín phát huy vai trò trong xây dựng phát triển kinh tế địa phương.

PV: Vậy tiến độ chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS ở Quảng Nam năm nay thực hiện như thế nào?

Ông Hà Ra Diêu: Theo báo cáo của các địa phương, vốn đầu tư cơ bản có khả năng giải ngân hết. Còn vốn sự nghiệp, nếu phấn đấu tốt thì từ nay đến cuối năm cũng khoảng 50%. Có một số nội dung trả lại vốn là do Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn. Ví dụ, Tiểu dự án 1, Dự án 9 về xoay vòng vốn vay hỗ trợ người dân. Cái này thì hướng của Trung ương là sẽ tích hợp tại Nghị định 28 của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Hoặc là trong tiểu dự án 1, dự án 3 về phát triển và trồng rừng bền vững thì vốn của Trung ương đưa về nhiều hơn so với thực tế rừng. Lý do của vấn đề này là chi trả 3 loại rừng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Hiện nay, rừng sản xuất của bà con cơ bản là trồng cây lâm nghiệp, trong đó cây keo là chủ yếu thì nhiệm vụ tái sinh còn rất ít. Còn rừng phòng hộ thì các Ban Quản lý rừng các huyện đã duy trì và họ trả cho người quản lý rừng có định mức cụ thể rồi. Quy định hỗ trợ 15kg gạo cho người dân tham gia trồng rừng cũng đã có định mức cụ thể rồi. Vì vậy nguồn này có khả năng trả về cho Trung ương rất lớn.

PV: Như ông vừa nói, các văn bản của Trung ương đã kịp tháo gỡ cơ bản các khó khăn vướng mắc mà lâu nay chương trình gặp phải. Vậy, thực tế diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Ra Diêu: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời, trong năm 2023 này tập trung vào các tháng 6 và tháng 7. Các Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế cũng mới ban hành các Thông tư từ tháng 6, bây giờ đã gần cuối năm rồi. Sau khi ban hành Thông tư thì các bộ, ngành mới tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hội thảo. Thứ 2 là, sau khi ban hành các Thông tư hướng dẫn của bộ ngành về địa phương ở cấp tỉnh là chúng tôi tiếp tục hướng dẫn và cũng có một số nội dung chúng tôi tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thành ra thực tế diễn ra còn chậm, dẫn đến tình trạng chậm giải ngân.

PV: Cụ thể những nội dung Dự án nào còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, thưa ông?.

Ông Hà Ra Diêu: Theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ thì nhiệm vụ phát triển, trồng cây dược liệu là giao cho Bộ Y tế. Dưới Bộ Y tế có Cục Y dược cổ truyền dân tộc sẽ đảm nhận việc phát triển vùng dược liệu. Nhưng Sở Y tế các địa phương thì không có chức năng này. Từ đó, năm 2022 Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 và tháng 6 năm 2023 này lại ban hành Thông tư 10. Thông tư 10 quy định vùng trồng dược liệu là phải có trên 50 héc ta trở lên đối với trung tâm phát triển dược liệu đó. Thế nhưng, đối tượng thực hiện là liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã, hợp tác xã và doanh nghiệp phải liên kết với người dân thì tài sản của nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp và hợp tác xã này hình thành là tài sản của ai thì chưa nói. Hiện nay, đối với tỉnh Quảng Nam thì phát triển dược liệu đã giao Sở Y tế. Sở Y tế căn cứ chức năng nhiệm vụ là không có chức năng trồng và phát triển dược liệu nên Tiểu dự án 2 của Dự án 3 này dừng lại.

PV: Để đảm bảo tiến độ Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc như thế nào?.

Ông Hà Ra Diêu: Tỉnh có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, sau đó là có 3 Văn phòng điều phối để thực hiện 3 chương trình này. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu Quốc gia là hàng tháng đều có báo cáo kết quả, nêu rõ những vướng mắc, khó khăn. Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng chủ động nắm bắt kết quả thực hiện các chương trình, kịp thời phản ánh với Quốc hội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình. Ngoài ra, các tổ chức Đảng từ tỉnh đến huyện đều đưa vào các Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo để triển khai thực hiện các chương trình nêu trên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà- Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-nhanh-chuong-trinh-mtqg-tai-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tinh-quang-nam-post1058922.vov