Đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn ở Bình Thuận
Với công suất tiềm năng lên đến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 (diễn ra ngày 22.7), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) thay mặt Quỹ Thị trường Mới I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất lên đến 3,5 GW.
Theo ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, các phát hiện từ dự án hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam cho thấy Việt Nam có đến 160 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi có thể khai thác. Điều này đã đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong danh sách các thị trường điện gió ngoài khơi tiềm năng. Việt Nam sẽ cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các nước khác để có thể gặt hái được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại.
Với công suất dự kiến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận nền công nghệ điện gió hiện đại và tiên tiến nhất, đồng thời hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia có hệ thống điện với tỷ lệ tích hợp năng lượng tái tạo cao và phát thải carbon thấp.
Ông Michael Hannibal, thành viên sáng lập CIP cho rằng việc ký kết Biên bản Ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và tỉnh Bình Thuận là một cột mốc hết sức quan trọng và sẽ không thể tiến hành nếu không có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các đối tác.
Được biết đến là tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á Thái Bình Dương với các dự án tại Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, đội ngũ của CIP bao gồm những chuyên gia điện gió ngoài khơi có kinh nghiệm nhất trong ngành với những hiểu biết sâu sắc trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Với dự án này, CIP cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác tại địa phương để biến dự án này thành một hình mẫu của dự án chuyển giao công nghệ thành công song song với việc sử dụng tối đa các nguồn lực và chuyên môn tại địa phương.
Với chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỉ USD, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho cả tỉnh Bình Thuận và Việt Nam. Việc ký kết Biên bản Ghi nhớ này, các đối tác trong dự án sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan bộ ban ngành Trung ương để phát triển dự án, xây dựng phương án đầu tư chi tiết sau khi dự án được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện của Việt Nam.
Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường
Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 55, trước hết là hoàn thiện thể chế, kiểm soát quá trình phát triển. Riêng về huy động nguồn lực cho năng lượng đến 2025, Việt Nam cần 7 - 10 tỉ USD cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải.
Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8 - 12 tỉ USD.
Được biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá, trong 15 năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Điển hình như mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn…
Trên cơ sở nhận định rõ nguyên nhân, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu quan điểm phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.