Đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ
Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình xác định là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên. Từ đó giúp các em học sinh thêm hiểu, tự hào và có ý thức bảo vệ gìn giữ những di tích lịch sử, di sản văn hóa ông cha để lại.

Học sinh tiểu học huyện Gia Viễn được tìm hiểu về truyền thống lịch sử quê hương qua các hoạt động được ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đền Thánh Nguyễn.
Phát huy lợi thế vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến anh hùng, với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đặc biệt là giá trị nổi bật của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.
Từ quan điểm chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương Ninh Bình cho các thế hệ học sinh tỉnh nhà, với những giải pháp hiệu quả, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục của ngành Giáo dục và Đào tạo, các thế hệ học sinh Ninh Bình đã và đang được cung cấp vốn hiểu biết toàn diện, thực tiễn về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh, kinh tế-xã hội của quê hương.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung nội dung giáo dục địa phương, biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương Ninh Bình từ lớp 1 đến lớp 12 để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông một cách toàn diện, hệ thống, đầy đủ về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Chỉ đạo sát sao các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy các môn học, nội dung giáo dục địa phương bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong phú như: tổ chức dạy học, trải nghiệm tại di sản; thực hiện giờ học kết nối với những trường, lớp của địa phương có di sản; mời chuyên gia, nghệ nhân người địa phương giới thiệu về di sản...
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết giá trị các di sản, khơi gợi niềm tự hào, vun đắp tình yêu quê hương cho các thế hệ học sinh Ninh Bình. Từ đó góp phần bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cũng như khơi dậy, nuôi dưỡng khát khao cống hiến trong các thế hệ học sinh Ninh Bình.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc định hướng giá trị về truyền thống lịch sử văn hóa cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ-những chủ nhân tương lai của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, cần được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống của không chỉ riêng ngành Giáo dục mà trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ; chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ cho phát triển kinh tếxã hội tại địa phương… Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo là nòng cốt, chủ lực trong việc triển khai có hiệu quả các giải pháp giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho học sinh, thực hiện đổi mới, sáng tạo các hoạt động này với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Chỉ đạo các đơn vị, trường học tích cực đổi mới phương pháp trong giảng dạy chương trình giáo dục địa phương. Đặc biệt chú ý đưa học sinh tìm hiểu về di sản tại địa điểm di sản để phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, Giáo dục truyền thống phải gắn với kiểm tra, đánh giá học sinh.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên dạy học di sản văn hóa trong trường học, bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các chủ đề bảo tồn di sản. Phối hợp với các đơn vị quản lý di sản, di tích tăng cường tổ chức cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước tại các di sản.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần quan tâm tổ chức định kỳ, thường xuyên các hoạt động văn hóa ý nghĩa, phù hợp như: Nghiên cứu tìm hiểu khảo cổ học, ngày hội đọc sách, các giờ học thực địa tại các di sản, tổ chức các chuyên đề cấp trường về giáo dục di sản, các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi đố vui để học, thi vẽ tranh, hùng biện về văn hóa, di sản địa phương tại các di sản…
Đồng thời, tại mỗi gia đình cũng cần quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho con em mình thông qua sự gắn kết của các thành viên trong gia đình trong việc tổ chức các buổi tham quan các di tích lịch sử; trò chuyện, trao đổi thường xuyên với con em để khơi gợi các vấn đề liên quan đến sự cảm nhận, tiếp thu thông tin, kiến thức qua mỗi chuyến đi… Qua đó giúp các em học sinh hiểu rõ và trân trọng giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Bình, nỗ lực phấn đấu học tập, cống hiến làm giàu đẹp cho quê hương.