Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ phòng, chống tội phạm

Với vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030'(gọi tắt là Đề án 06), Công an tỉnh đã tiên phong đi đầu về chuyển đổi số. Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, lực lượng công an còn ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT).

Chú trọng thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Làm phiên dịch cho một DN Hàn Quốc, không bố trí được thời gian, biết thông tin có thể làm hộ chiếu trên môi trường điện tử, anh Nguyễn Văn Hồng, ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đã đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, anh nộp hồ sơ và đợi kết quả phê duyệt qua tin nhắn điện thoại. Anh cho biết: “Làm hộ chiếu trên môi trường điện tử giúp tôi tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại. Tôi có thể ngồi tại nơi làm việc đăng ký làm hộ chiếu, nộp tiền bằng hình thức chuyển khoản, đồng thời theo dõi được tiến độ giải quyết”.

 Công an phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm trong bảo đảm ANTT.

Công an phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm trong bảo đảm ANTT.

Từ tháng 8/2024, Công an tỉnh triển khai đăng ký xe lần đầu qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Người dân khi đăng ký xe mới, không cần phải đến trực tiếp cơ quan công an, mọi thủ tục được thực hiện trên môi trường điện tử. Chỉ cần có ứng dụng VNeID tài khoản mức độ 2, có thiết bị di động kết nối Internet là thao tác được. Theo Phòng Cảnh sát giao thông, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 262 hồ sơ đăng ký xe lần đầu qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cũng vậy, người vi phạm có thể nộp phạt ở địa bàn nơi thường trú mà không phải đi lại.

Điều khiển xe ô tô vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường tại địa phận thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), ông Trần Bình T ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) băn khoăn nếu phải quay lại đây để nộp phạt thì rất mất thời gian. Trung tá Ngô Văn Lương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Hiệp Hòa thông tin: “Người vi phạm không nhất thiết phải đến Công an huyện nơi phát hiện vi phạm để nộp phạt. Trong trường hợp này, Công an huyện Hiệp Hòa là nơi phát hiện vi phạm sẽ chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an TP Bắc Giang - nơi ông T cư trú để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm. Ông T chỉ cần đến Công an TP Bắc Giang để nộp phạt vi phạm theo quy định”.

Việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và cơ quan chức năng; tăng cường tính minh bạch, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Ứng dụng VNeID trong bảo đảm ANTT

Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai Đề án về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng. Các trang, nhóm zalo, facebook của cơ quan công an dần trở thành kênh thông tin chính thống, thu hút đông đảo sự quan tâm, theo dõi của người dân. Thông qua tương tác, trao đổi, hàng nghìn tin báo, phản ánh có giá trị được gửi vào nhóm. Nhờ đó lực lượng công an đã nắm bắt, xử lý ngay từ cơ sở các vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến ANTT, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết hơn 474 nghìn hồ sơ của người dân, DN, trong đó có 470,5 nghìn hồ sơ trực tuyến, đạt 99,3%. Hệ thống camera đã phục vụ đắc lực trong điều tra, xử lý 170 vụ việc vi phạm pháp luật về hình sự; gửi thông báo phạt nguội vi phạm trật tự ATGT đến hơn 16,3 nghìn trường hợp, lập biên bản xử phạt 5.680 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 19,14 tỷ đồng.

Đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP, các đơn vị liên quan lắp đặt, kết nối hơn 1,3 nghìn camera (trong đó nhiều camera AI phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự ATGT). Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống camera đã phục vụ đắc lực trong điều tra, xử lý 170 vụ việc vi phạm pháp luật về hình sự; gửi thông báo phạt nguội vi phạm trật tự ATGT đến hơn 16,3 nghìn trường hợp, lập biên bản xử phạt 5.680 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 19,14 tỷ đồng.

Phường Nếnh (thị xã Việt Yên) là địa bàn trọng điểm phát triển về công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Bên cạnh gần 6 nghìn hộ dân với 23,4 nghìn nhân khẩu thường trú còn có hơn 1,3 nghìn nhà trọ với hơn 24 nghìn lao động tạm trú. Để quản lý hiệu quả, Công an phường đã triển khai, ứng dụng rất nhiều phần mềm. Đơn cử là phần mềm “Quản lý nhà trọ” (áp dụng từ tháng 10/2021) đã hỗ trợ hiệu quả việc quản lý hoạt động kinh doanh nhà trọ và người thuê trọ; quản lý cư trú, nắm hộ, nắm người; hạn chế tối đa đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng nhà trọ để lẩn trốn, ẩn nấp.

Tiếp đó, tháng 12/2023, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) làm điểm mô hình “Ứng dụng VNeID phòng, chống tội phạm ma túy”. Sau gần một năm hoạt động hiệu quả, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng mô hình này. Nhận thấy hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang bộc lộ một số tồn tại như: Cầm cố tài sản không chính chủ, không rõ nguồn gốc với giá rẻ, sử dụng giấy tờ giả, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm pháp luật tẩu tán tài sản, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đang thí điểm mô hình “Xác thực thông tin công dân trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT” trên địa bàn phường Nếnh. Ngoài ra, Công an tỉnh bước đầu đã tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh những mặt tích cực mang lại từ chuyển đổi số, lực lượng công an hiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ tội phạm phi truyền thống. Việc sử dụng Internet để thực hiện các hành vi đánh cắp thông tin người dùng, tấn công tài khoản ngân hàng, mua bán tiền ảo, tiền giả, rửa tiền, tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia, cá độ bóng đá… diễn ra thường xuyên và có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn hình thức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong lực lượng, Công an tỉnh tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đổi mới tư duy và nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, về vai trò và tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Tiếp tục triển khai Đề án 06, cán bộ, chiến sĩ tích cực, chủ động, làm việc cả ngày nghỉ để thu nhận, làm hồ sơ, thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân; bảo đảm tất cả công dân trên địa bàn đều phải có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục vận hành, khai thác các phầm mềm tin học đã triển khai; tăng cường hệ thống camera an ninh, camera giao thông. Đào tạo, tuyển dụng cán bộ có trình độ, năng lực về công nghệ thông tin để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại công an các cấp, đặc biệt ở cấp huyện và xã..

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-ung-dung-cong-nghe-phong-chong-toi-pham-084453.bbg