Đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã hoạt động theo mô hình tổ chức mới, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát, ổn định thị trường.

Trước diễn biến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, Tổng cục QLTT cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức QLTT.

Triệt phá nhiều ổ nhóm hàng giả, hàng lậu lớn

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh: Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình tổng cục theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác.

Lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico, quận Thanh Xuân. Ảnh: LƯU QUYÊN

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) Đàm Thanh Thế đánh giá: QLTT là một trong những lực lượng nòng cốt của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Năm 2019, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng, như: Xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt. Qua đó, đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn về hàng giả, hàng lậu. Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy, năm 2019, với việc phát hiện, xử lý hơn 90.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng QLTT ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, ngay trong những ngày đầu năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện và có diễn biến ngày càng phức tạp, trên thị trường đã xảy ra tình trạng thu gom, tăng giá mặt hàng khẩu trang y tế và các sản phẩm sát trùng. Khẩn trương triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, lực lượng QLTT tại 63 tỉnh, thành phố đồng loạt ra quân xử lý các cửa hàng đầu cơ, tăng giá bán khẩu trang, góp phần bình ổn thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Kiên quyết loại bỏ cán bộ tiêu cực

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa, nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước khác. Bên cạnh đó còn có tình trạng một số cơ sở, đối tượng kinh doanh, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mua hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác Việt Nam đưa về tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, môi trường internet đang là nơi diễn ra việc quảng cáo, mua bán rất nhiều sản phẩm gian lận thương mại. Các sàn giao dịch thương mại điện tử bị lợi dụng thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng mà lực lượng chức năng rất khó phát hiện, xử lý.

Theo ông Trần Hữu Linh, năm 2020, lực lượng QLTT sẽ tập trung đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng triển khai hiệu quả kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Cùng với đó, coi trọng công tác xây dựng lực lượng QLTT. “Chúng tôi sẽ kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu lực lượng QLTT và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, Tổng cục QLTT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa. Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng để tái đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các văn bản quy định liên quan bảo đảm phù hợp.

Để đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu trong năm 2020, lực lượng QLTT tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đặc biệt, xây dựng lực lượng QLTT trong sạch vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-lui-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-609919