Đầu tư cải tiến kỹ thuật, giảm phát thải môi trường

Đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững và 'sản xuất xanh' được xem là hướng đi lâu dài trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Đồng Lâm).

 “Sản xuất xanh” là hướng đi bền vững của Đồng Lâm

“Sản xuất xanh” là hướng đi bền vững của Đồng Lâm

Nguyên liệu dùng trong sản xuất xi măng không có khả năng tái tạo, trong khi yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác nguyên liệu và quá trình sản xuất ngày càng trở lên nghiêm ngặt.

Do vậy, ngay từ khi thành lập, Đồng Lâm đã triển khai các giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu và bảo vệ môi trường. Việc cải tiến máy móc thiết bị để giảm thiểu chất thải, ô nhiễm ngay trong điều kiện sản xuất bình thường.

Ông Phạm Hồng Thi, Giám đốc Chất lượng Đồng Lâm cho biết, Đồng Lâm đang chuẩn bị đầu tư dự án lắp đặt hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải trong quá trình sản xuất clinker xi măng.

Dự án triển khai với mục đích cung cấp 25%-30% lượng công suất điện phục vụ sản xuất của nhà máy xi măng, giảm thiểu tác động của tăng giá điện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm mức tiêu thụ điện từ mạng lưới điện quốc gia. Tổng công suất phát điện dự kiến khoảng 8.700kW. Sử dụng hiệu quả nhiệt năng trong quá trình sản xuất clinker xi măng.

Thời gian triển khai dự án là 16 tháng, dự kiến quý III/ 2025 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Khi đi vào hoạt động, hệ thống sẽ giúp giảm phát thải nhiệt ra môi trường, kiểm soát khí nhà kính. Đây cũng là một trong các biện pháp quan trọng trong việc thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Đồng Lâm.

Một trong các biện pháp tiết kiệm nguồn nguyên liệu mà công ty áp dụng là tận dụng nguồn nguyên liệu và bảo vệ môi trường ở các mỏ nguyên liệu mà đơn vị được giao quản lý, khai thác.

Ngoài ra, thực hiện phương án điều chỉnh các hệ số chế tạo clinker sản xuất phù hợp với đặc thù nguồn nguyên liệu của mỏ Đồng Lâm và sử dụng phụ gia điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu.

Đưa vào sử dụng nhiên liệu than có hệ số MS tro than cao (MS >2,0) nhằm bổ sung oxyt SiO2 cho phối liệu, giảm tỷ lệ dùng nguyên liệu đá sét cao silic, tăng tỷ lệ sử dụng đá sét.

Kết hợp điều chỉnh hệ số sản xuất clinker theo hướng tăng MA, giảm MS và sử dụng thêm các nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác như xỉ, tro bay cho sản xuất xi măng.

Theo Công ty Đồng Lâm, đơn vị đã hoàn thành xây dựng, được chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2015. Việc duy trì và đảm bảo tính hiệu lực của các hệ thống quản lý giúp cho công ty kiểm soát quá trình sản xuất.

Cụ thể, quá trình sản xuất thực hiện theo các quy trình và hướng dẫn công việc, được xây dựng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các hệ thống quản lý mà công ty áp dụng.

Do vậy, đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa về mặt tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng và phát sinh chất thải. Các thông số của quá trình sản xuất được giám sát và duy trì tiệm cận với điều kiện tối ưu, cho phép sản xuất ra các sản phẩm đạt mục tiêu chất lượng với chi phí thấp nhất có thể.

Kiểm soát quá trình còn thể hiện ở sự phân công giám sát sản xuất trên các công đoạn của dây chuyền sản xuất, hệ thống điều hành và hệ thống quản lý chất lượng. Nhờ kiểm soát quá trình sản xuất tốt hơn, công nghệ được cải thiện, công nhân sẽ làm việc với thái độ có trách nhiệm hơn, tích cực và nghiêm túc hơn… sẽ giảm được các sai lỗi, giảm chi phí nguyên, vật liệu, năng lượng, giảm được số lượng và mức nhiễm bẩn cho các dòng thải.

Đồng Lâm thường xuyên xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm giảm định mức tiêu hao nguyên, vật liệu và năng lượng. Hàng năm Đồng Lâm đều xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cũng theo ông Phạm Hồng Thi, việc thay đổi nguyên liệu đầu vào sẽ giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguyên, vật liệu ngày càng khan hiếm. Đồng thời cũng giảm việc tạo ra các chất thải độc hại trong quá trình sản xuất (khí CO2, Nox...). Cải tiến máy móc thiết bị để giảm thiểu chất thải, ô nhiễm ngay trong điều kiện sản xuất bình thường. Việc bảo trì phòng ngừa cũng giúp giảm thiểu hư hỏng đột xuất, sự cố thiết bị, phòng tránh được những tác động tiêu cực đến kế hoạch sản xuất và tác động môi trường.

Đồng Lâm thực hiện tuần hoàn nước làm mát thiết bị và đang triển khai dự án tái sử dụng nước tháo khô mỏ đá vôi; nhằm giảm chi phí nước sạch cho sản xuất và giảm được lượng nước thải ra môi trường. Cải tiến chất lượng sản phẩm và sản xuất sản phẩm mới giúp tạo ra sản phẩm có những đặc tính mới, hạn chế được những phát thải từ quá trình sản xuất, tăng cường khả năng bảo quản sản phẩm, thay đổi thành phần nguyên liệu của sản phẩm.

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, “sản xuất xanh” chỉ có thể thành công khi được sự quan tâm chú ý và sự tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty. Do vậy, Đồng Lâm chú trọng đào tạo nhân lực, các chính sách khuyến khích người lao động nhằm tạo cho họ ý thức phấn đấu và tinh thần “nghiệp chủ” trong công ty. Mục tiêu là nhằm không ngừng cải tiến quy trình sản xuất một cách kỹ thuật và có tổ chức thông qua việc sử dụng những biện pháp dễ thực hiện và chi phí hiệu quả.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/dau-tu-cai-tien-ky-thuat-giam-phat-thai-moi-truong-141139.html