Dấu hiệu hòa giải

Ngày 27.2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry vừa thực hiện chuyến thăm có ý nghĩa biểu tượng quan trọng tới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức đứng đầu ngành ngoại giao nước này tới hai quốc gia láng giềng sau một thập kỷ, kể từ khi quan hệ của Cairo với cả Damascus và Ankara trở nên xấu đi.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry có chuyến thăm lịch sử tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: libyaupdate.com

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry có chuyến thăm lịch sử tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: libyaupdate.com

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, chuyến thăm nhằm truyền đạt “tình đoàn kết với hai nước và nhân dân anh em” sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6.2, gây ra những tổn thất hết sức nặng nề. Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh, Chính phủ và người dân Ai Cập luôn sẵn sàng hỗ trợ và sát cánh bên “những người anh em” của mình.

Hôm 24.2, tàu Ai Cập chở hàng trăm tấn vật liệu cứu trợ đã rời cảng Al-Arish, theo chỉ thị của Tổng thống Abdel Fattah al Sisi hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Con tàu viện trợ này là một phần trong nỗ lực của Ai Cập giúp giải quyết hậu quả của trận động đất. Trước đó một hôm, nước này cũng gửi hai máy bay quân sự chở viện trợ y tế và nhân đạo tới Thổ Nhĩ Kỳ để giúp đỡ các nạn nhân. Trong khi đó, một tàu của lực lượng hải quân Ai Cập chở viện trợ nhân đạo đã đến cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria…

Đầu tháng 2, Tổng thống Ai Cập Sisi đã ra lệnh điều động 5 máy bay quân sự để chuyển hàng cứu trợ y tế khẩn cấp tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế, quê hương của các kim tự tháp cũng là quốc gia cử đội quốc tế đầu tiên hỗ trợ các nạn nhân trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter này là trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của các quốc gia. Nó khiến hơn 50.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng triệu người mất nhà cửa ở cả hai nước.

Ai Cập - Syria: người bạn lúc hoạn nạn

Ông Shoukry sẽ là Ngoại trưởng Ai Cập đầu tiên đến thăm Damascus và gặp gỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria năm 2011, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.

Chính quyền của Tổng thống Assad đã bị cô lập về chính trị trong khu vực kể từ khi Syria bị Liên đoàn Ảrập đình chỉ tư cách thành viên năm 2011 sau làn sóng biểu tình chống Chính phủ nước này. Kể từ đó, Syria không tham gia các hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ảrập hoặc hội nghị của Liên minh Nghị viện Ảrập (APU). Ngoài ra, nhiều quốc gia Ảrập cũng cắt đứt quan hệ với Damascus và triệu hồi các phái viên của mình.

Trong cuộc xung đột kéo dài 12 năm, Syria phải hứng chịu vô số lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Ảrập, trong đó hầu hết các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau năm 2011. Theo cơ sở dữ liệu theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu Castellum, tính đến tháng 9.2022, Syria phải hứng chịu tổng cộng 2.608 lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, giờ đây, chính quyền Tổng thống Assad đang nhận được sự chú ý quan tâm của quốc tế qua những thông điệp ủng hộ, đoàn kết, những cam kết hỗ trợ và các gói viện trợ nhân đạo trị giá hàng chục triệu USD.

Syria, vốn bị tàn phá bởi cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn thập kỷ, lại vừa phải hứng chịu một thảm họa thiên nhiên chết chóc khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Tai họa thảm khốc giáng xuống đất nước vốn kiệt quệ nhận được sự cảm thông của các quốc gia láng giềng và quốc tế, dần dần cải thiện thế cô lập ngoại giao của nước này.

Tổng thống Assad đã nhận được cuộc điện thoại từ Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi vào ngày 7.2, chỉ một ngày sau khi thảm họa xảy ra. Đây là lần tương tác chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Và Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Hanafi Gibali cũng gặp Tổng thống Assad tại Damascus vào cuối tuần qua, trong khuôn khổ phái đoàn các nhà lãnh đạo Nghị viện các nước trong khu vực. Đây là chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn Nghị viện Ảrập tới Syria trong 2 thập niên qua. Tại dịp này, ông Hanafi cho rằng, tất cả các quốc gia Ảrập nên ủng hộ Syria quay trở lại với thế giới Ảrập.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Syria còn nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nhà lãnh đạo trong thế giới Ảrập, tiếp đón các chuyến thăm từ những nhà ngoại giao hàng đầu của họ và dòng viện trợ nhân đạo đều đặn chảy vào nước này.

Ai Cập - Thổ Nhĩ Kỳ: tiếp tục tan băng

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi quân đội Ai Cập, do Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Abdel-Fattah al-Sisi lãnh đạo, tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống khi ấy là ông Mohamed Morsi, vốn là đồng minh thân cận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, vào năm 2013. Ông Sisi nay là Tổng thống đương nhiệm của Ai Cập.

Hai nước cũng xung đột về quyền tài phán trên biển và các nguồn tài nguyên ngoài khơi, cũng như những lập trường khác biệt ở Libya, nơi họ ủng hộ các phe đối lập trong cuộc nội chiến.

Sau nhiều năm căng thẳng, buộc tội lẫn nhau, cả Ankara lẫn Cairo bắt đầu xoa dịu quan hệ từ năm 2021. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện sứ mệnh quan trọng là bình thường hóa quan hệ và tái xây dựng quan hệ với các cường quốc khu vực, bao gồm Ai Cập, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Theo hướng đó, chính quyền Ankara phát động chiến dịch giảm bớt căng thẳng với các quốc gia trên, và cuối cùng các mối quan hệ bắt đầu tan băng.

Tháng 11 năm 2022, Tổng thống Sisi và và Tổng thống Erdogan bắt tay nhau tại Thủ đô Doha của Qatar, báo hiệu khởi đầu mới trong mối quan hệ song phương. Cũng trong năm 2022, Cairo và Ankara đã tổ chức 2 vòng đàm phán thăm dò ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm hàn gắn quan hệ… Thực tế, bất chấp những giai đoạn chia rẽ chính trị giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai vẫn luôn duy trì quan hệ kinh tế. Theo số liệu thống kê của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong danh sách các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Ai Cập, chiếm 8% tổng kim ngạch trong nửa đầu năm 2022…

Tổng thống Ai Cập Sisi cũng gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào ngày 7.2 để bày tỏ cảm thông đối với các nạn nhân của trận động đất, đồng thời đề nghị viện trợ và giúp đỡ. Đó là tương tác ngoại giao đầu tiên của họ sau khi hòa giải.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dau-hieu-hoa-giai-i317455/