Đấu giá quyền sử dụng đất - tăng cường thực thi pháp luật

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đã bộc lộ nhiều yếu kém, dẫn đến nhiều sai phạm. Đây là vấn đề được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để chất vấn và lắng nghe kiến nghị nhằm từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tích cực tham gia góp ý, chất vấn liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tích cực tham gia góp ý, chất vấn liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất

Trung tuần tháng 3/2022, trong phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn Lâm Đồng đặt vấn đề: Thực tiễn cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đã bộc lộ nhiều yếu kém, dẫn đến nhiều sai phạm trong thời gian qua tại các địa phương như: giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; đấu giá quyền sử dụng đất chưa đảm bảo, chưa phát huy tính cạnh tranh nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách; chất lượng quy hoạch thấp; việc lấy ý kiến Nhân dân khi lập quy hoạch đô thị bị lờ đi; điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; chỉ định thầu không đúng quy định, sử dụng đất sai mục đích, phân lô bán nền gây phá vỡ quy hoạch; nhiều dự án được Nhà nước giao đất, hoặc thuê đất, thuê rừng không đưa đất vào sử dụng, để xảy ra lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, không chấp hành nghĩa vụ tài chính.

Cùng đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Lâm Đồng chất vấn và đặt vấn đề, hiện nay, pháp luật về đấu giá còn có nhiều quy định khác nhau, dư luận cho rằng có trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, để xảy ra sai phạm về đấu giá trong thời gian qua. Theo đó, đại biểu Nguyên Văn Hiển đề nghị các cơ quan chuyên môn cần xây dựng quy định đấu giá quyền sử dụng đất không để trục lợi, tăng cường quản lý tài nguyên đất đai, cải cách thủ tục hành chính, kế hoạch sử dụng đất, tăng cường phân công, phân cấp gắn với giám sát, kiểm soát chặt chẽ, có chế tài đủ mạnh trong đấu giá tài sản, chuyển nhượng đất đai.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến chất vấn của Đại biểu Đoàn Lâm Đồng là quá đúng, bởi việc để xảy ra việc phân lô bán nền, lấn chiếm đất rừng trái phép thời gian qua tại nhiều địa phương cho thấy sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Mặt khác, do doanh nghiệp cố tình vi phạm từ sự buông lỏng trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan quản lý Nhà nước, chiếm dụng tài sản, gây bất bình trong dư luận. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát, rà soát hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh cho phù hợp.

Theo đó, đến nay, dự thảo Luật Đấu giá quyền sử dụng đất được xây dựng phải có đủ các điều kiện sau đây: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai. Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất. Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Đặc biệt, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

Dự thảo nêu rõ, giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Theo dự thảo, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thửa đất đấu giá; có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, vị trí, diện tích, loại đất đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/202204/dau-gia-quyen-su-dung-dat-tang-cuong-thuc-thi-phap-luat-3113094/