Đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại huyện Si Ma Cai
Ngày 18/11, Đoàn đánh giá, chấm điểm công tác quản lý an toàn thực phẩm số 2 của tỉnh đã làm việc tại huyện Si Ma Cai.
Trong buổi làm việc, đoàn đã đánh giá phúc tra kết quả tự chấm điểm của UBND huyện Si Ma Cai theo bảng điểm kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm được ban hành tại Quyết định số 2050/QĐ-UBND ngày 1/7/2020 của UBND tỉnh Lào Cai. Trong đó, kiểm tra công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Si Ma Cai; đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thông tin truyền thông, xây dựng mô hình điểm, quản lý sử dụng kinh phí, giám sát sự cố về an toàn thực phẩm....
Toàn huyện Si Ma Cai hiện có 264 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm; trong đó, ngành nông nghiệp quản lý 30 cơ sở, ngành công thương quản lý 70 cơ sở, ngành y tế quản lý 164 cơ sở; cấp huyện quản lý 86 cơ sở, cấp xã quản lý 78 cơ sở; số cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 29 cơ sở.
Có 10/10 xã, thị trấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm. Trong năm, UBND huyện Si Ma Cai, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập 34 đoàn kiểm tra trong các đợt cao điểm, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, huyện Si Ma Cai cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, tuyên truyền trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, vai trò của nhà quản lý; kiến thức khoa học, pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm phòng, tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra...
Trong năm, các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Si Ma Cai đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ yêu cầu thực hiện đăng ký chất lượng, tem, nhãn mác chưa thực hiện triệt để; hệ thống cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng...
Thông qua công tác chấm điểm, đoàn công tác đã có những đánh giá, góp ý nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương và năng lực quản lý an toàn thực phẩm của các đơn vị liên quan; đồng thời nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác an toàn thực phẩm ở cơ sở để kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành cho phù hợp thực tiễn.