Đan Phượng: Tiềm năng từ kinh tế nông nghiệp du lịch sinh thái
Trong tiến trình lên quận, với diện tích đất nông nghiệp còn lại, huyện Đan Phượng đang định hướng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm để thu hút du khách đến vui chơi, chụp ảnh. Qua việc thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái này đã cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn, không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn mở ra hướng phát triển mới cho huyện Đan Phượng trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.
Từ việc phát triển thành công mô hình trồng nho Hạ Đen tại xã Phương Đình và xã Đan Phượng kết hợp với du lịch sinh thái, trên diện tích hơn 5.500m2, ông Thiều Văn Thiết, thôn 11, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cũng đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư cây con giống trồng nho Hạ Đen trên diện tích 4.500m2 và nho sữa giống Hàn Quốc trên diện tích 1.000m2.
Phát triển mô hình từ tháng 2/2022 đến nay, mô hình nho Hạ Đen của gia đình ông Thiết đang cho vụ đầu tiên. Theo tính toán với mức giá 150 nghìn đồng/kg, ước tính thu hoạch từ nho sẽ cho gia đình thu nhập trên 70 triệu đồng/sào.
Ông Thiều Văn Thiết cho biết, ngoài thu hoạch từ sản phẩm nho, gia đình cũng đang định hướng mở du lịch sinh thái cho người dân đến tham quan, chụp ảnh và khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ này. Đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ từ hoạt động khai thác du lịch. Dù mới phát triển nhưng những mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái như vậy cũng mở ra tiềm năng rất lớn cho những vùng nông nghiệp ven đô.
Trên cơ sở định hướng của huyện phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm gắn với nông nghiệp công nghệ cao, vốn là vùng bãi ven sông, diện tích đất nông nghiệp còn rất lớn, xã Trung Châu cũng đang khuyến khích các hộ dân phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm. Để hỗ trợ cho người dân, xã Trung Châu cũng đầu tư hoàn thiện hệ thống điện, tập trung mở rộng hệ thống giao thông nông thôn nội đồng nhằm kết nối hoạt động du lịch văn hóa tâm linh và hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm tại xã Trung Châu và các xã phụ cận.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu cho hay, vào thời điểm trước, xã Trung Châu chủ yếu là ngô và khoai. Được sự quan tâm của các cấp, Hội Nông dân xã đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như cà chua, dâu tây, nho Hạ Đen, đem lại thu nhập cao hơn cho bà con.
Hiện nay, huyện Đan Phượng cũng đã có những mô hình thí điểm du lịch sinh thái trải nghiệm và mang lại thu nhập rất cao. Điều này càng là động lực để bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi, phát triển nông nghiệp xanh gắn với hoạt động du lịch sinh thái. Từ thành công của mô hình, huyện Đan Phượng có diện tích đất bãi ven sông Hồng phù sa màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp sinh thái.
Trong phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái theo hướng hiện đại, phải kể đến ông Nguyễn Hữu Kỳ ở xã Đan Phượng. Nho hạ đen là giống cây được ông Kỳ chọn để đưa vào sản xuất vì đây là giống cây hợp với đất của địa phương, dễ chăm sóc, sản phẩm bán được giá cao. Qua việc đi tham quan học hỏi các mô hình nông nghiệp tại các địa phương khác do Hội Nông dân xã và huyện tổ chức, thấy được giá trị của giống cây này ông Kỳ đã mạnh dạn đầu tư mua giống về trồng. Cứ vừa làm, vừa học đến giờ vườn nho của ông đã cho kết quả sản lượng đạt cao, mẫu mã đẹp.
Cùng với xu hướng của thị trường ông Kỳ kết hợp tham quan, du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn, thu hút nhiều khách tham quan và làm tăng giá trị sản phẩm, năm 2022 vườn nho của ông đã đón 368 lượt khách, năm 2023 đón 192 lượt khách đến tham quan chụp ảnh, học hỏi mô hình của ông. Với giá cả hiện nay 150.000 đồng/kg, mỗi năm ông Kỳ xuất ra thị trường 1 tấn nho, sản xuất đến đâu hết đến đấy, ông đang có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, theo Nghị quyết của huyện ủy Đan Phượng, Hội Nông dân đã tập trung theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hội cũng hướng dẫn hội viên nông dân khai thác hết tiềm năng của nông nghiệp, trong đó có du lịch sinh thái. Những năm gần đây, Hội đang thực hiện rất tốt các định hướng này, trong đó có những mô hình phát triển tiên tiến như trồng rau hữu cơ, trồng bưởi VietGab, trồng nho, trồng hoa,… gắn với du lịch sinh thái.
Tiềm năng là rất lớn nhưng để phát triển được theo hướng du lịch nông nghiệp sinh thái cũng cần tháo gỡ vướng mắc các vấn đề liên quan đến chính sách cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng một phần tạo nơi nghỉ dưỡng, ăn uống cho du khách. Hiện nay, huyện Đan Phượng đang đề nghị với Thành phố có những biện pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm.
Với việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển du lịch thì đây sẽ là hướng để huyện Đan Phượng phát triển bền vững diện tích đất nông nghiệp còn lại kết hợp với việc phát triển cho các làng nghề truyền thống của địa phương. Việc xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề văn hóa tâm linh, kết nối với tuyến du lịch đường thủy với các địa phương lân cận sẽ tạo nên các tour, tuyến hoàn chỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.