Dân góp ý: Cần cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề

Cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề và làng nghề truyền thống. Đây không chỉ là nơi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mà còn là không gian bảo tồn lịch sử văn hóa dân tộc. Với hơn 2.000 nghệ nhân, thợ giỏi nắm giữ các bí quyết tại các làng nghề truyền thống, hàng ngày vẫn thổi hồn vào các sản phẩm vừa làm nổi bật tính độc đáo văn hóa các vùng miền, vừa đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu lao động nông thôn. Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trong nền kinh tế cạnh tranh hiện đại… Do vậy, cần phải có những cơ chế chính sách phù hợp để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Dọc dài đất nước, trên lớp trầm tích của rất nhiều nền văn hóa là những làng nghề truyền thống mang đậm hồn cốt dân tộc. Những sản phẩm rất gần gũi với cuộc sống ở các làng nghề đã đạt đến trình độ tinh xảo qua quá trình hoàn thiện, chọn lọc của con người. Thế nhưng có một thực tế hiện nay rất nhiều nghề truyền thống không thu hút được lao động trẻ bởi địa phương chưa quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lớp trẻ để họ tiếp tục duy trì và phát triển các nghề truyền thống.

Cũng như các làng nghề trên cả nước, làng nghề ở Hà Nội không chỉ là nơi hoạt động sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng, miền, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa nhiều chính sách hỗ trợ thợ giỏi và nghệ nhân đúng, chúng nên việc phát triển làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng tiếp cận chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Và có hàng trăm nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Cùng với sự đổi mới của đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng để các làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống người dân làng nghề.

Tuy nhiên, để các làng nghề truyền thống tiếp tục phát triển cần sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp nhất là an sinh xã hội và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; giúp các làng nghề quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho đội ngũ kế cận.

Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đây không những là một nguồn nội lực giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, mà còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, những nghệ nhân làng nghề kiên trì với con đường lưu giữ truyền thống, thổi hồn vào các sản phẩm của mình để góp phần phát triển các làng nghề bền vững…

Việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ các làng nghề sẽ giúp các nghệ nhân, người thợ có được cuộc sống đầy đủ, an tâm gắn bó và hạnh phúc với nghề…

Theo Nghị định 52/2018 của Chính Phủ, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các địa phương cần tập trung thực hiện và có những chính sách phù hợp để các làng nghề, nghề truyền thống không bị mai một.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/dan-gop-y-can-co-che-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-lang-nghe-239659.htm