Đảm bảo trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng

HNN - Tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Đây là chủ trương cần thiết nhằm đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.

Cô và trò Trường mầm non Thủy Dương (Hương Thủy)

Cô và trò Trường mầm non Thủy Dương (Hương Thủy)

Đảm bảo quyền lợi của trẻ

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã phát triển rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thôn, bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ, chất lượng được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%. Việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tới trường, lớp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ yếu thế) chưa được tiếp cận với GDMN, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn hạn chế. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN.

Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi là cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế, vừa thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; trong đó, đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Nghị quyết là cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương.

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục mầm non - Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT TP. Huế, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi nhằm đảm bảo trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng. Đây là quyền lợi của trẻ, đảm bảo trẻ được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một.

Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới cho biết, tỷ lệ huy động trẻ ở A Lưới từ 3-4 tuổi đạt 98%, 5 tuổi đạt 100%, nhà trẻ đạt 43%. Chủ trương này là cơ sở để các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị kèm theo các chính sách đối với trẻ và giáo viên mầm non để thực hiện phổ cập đối với trẻ từ 3-5 tuổi.

 Việc phổ cập cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ

Việc phổ cập cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ

Cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, đội ngũ

Theo dự thảo Nghị quyết, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến lớp theo từng độ tuổi (từ 3 đến 5 tuổi) đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 85%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo hoàn thành chương trình giáo dục mẫu giáo theo độ tuổi hằng năm đạt ít nhất 85%; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%. Để phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, cần đầu tư thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.

Bà Ngô Thị Hạnh cho hay, cần bố trí đủ giáo viên/lớp theo quy định; có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định từng độ tuổi để tổ chức các hoạt động giáo dục theo Chương trình Giáo dục mầm non (1 bộ/lớp); có đủ phòng học kiên cố, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn, có đủ bàn ghế cho trẻ em, bảng, bàn ghế giáo viên, đủ ánh sáng, thoáng mát và các điều kiện tối thiểu cho học sinh khuyết tật nếu lớp có học sinh khuyết tật. Ngoài ra, các chính sách ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ vùng khó khăn, miền núi, hải đảo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng rất cần để tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con đến trường.

Tại TP. Huế, phổ cập trẻ 5 tuổi cơ bản đủ phòng học lớp mẫu giáo 5 tuổi, đủ thiết bị tối thiểu cho lớp 5 tuổi (1 bộ/lớp). Tuy nhiên, giáo viên dạy lớp 5 tuổi chỉ 2 giáo viên/lớp (chưa đạt quy định 2,2 giáo viên/lớp). Về phổ cập 3-4 tuổi, phòng học còn thiếu, một số lớp còn sử dụng phòng chức năng làm phòng học; tỷ lệ phòng học bán kiên cố vẫn còn, diện tích hẹp. Bộ thiết bị tối thiểu lớp 3, 4 tuổi chưa đồng bộ chiếm đa số. Về giáo viên, theo báo cáo từ các Phòng GD&ĐT, hiện tại chưa bố trí đủ 2,2 giáo viên/lớp theo quy định.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Phú, Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Dương (Hương Thủy) cho rằng, nếu thực hiện phổ cập 3-4 tuổi đạt 100%, các trường mầm non công lập cần xây thêm phòng học mới. Cụ thể, Trường mầm non Thủy Dương cần thêm 4-5 lớp học. Hiện nay, trên địa bàn phường Thủy Dương, chỉ mới 85-90% trẻ từ 3-4 tuổi ra lớp, kể cả tư thục. Với số chưa ra lớp, trường cũng không vận động phụ huynh vì không đủ lớp học. Năm nay, trường xin mở thêm 1 lớp học nhưng không được do không có giáo viên.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/dam-bao-tre-duoc-tiep-can-giao-duc-mam-non-co-chat-luong-153556.html