Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết: Giám sát chặt thịt gia súc, gia cầm
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, kéo theo nỗi lo về thực phẩm không an toàn, nhất là thịt gia súc, gia cầm. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Long (ảnh), Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) để làm rõ một số vấn đề mà dư luận và người tiêu dùng quan tâm.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp Tết Nguyên đán, nhất là thịt gia súc, gia cầm, nhưng người dân rất lo lắng tình trạng “thịt bẩn”, thịt tồn dư dư lượng kháng sinh, chất tăng trọng… Vậy cơ quan chức năng kiểm soát thế nào?
Cục trưởng NGUYỄN VĂN LONG:
Hiện nay, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tăng cường lấy các mẫu thịt để giám sát nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ở góc độ cơ quan thú y, ngoài kiểm soát an toàn thực phẩm còn phải kiểm soát các loại dịch bệnh.
Cục Thú y cũng đã báo cáo Bộ NN-PTNT về việc phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép các loại động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo chất lượng, có chứa kháng sinh, chất cấm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng tại các địa phương đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm lậu, trong đó có thịt các loại vào thị trường nội địa. Cục Thú y và các cơ quan liên quan có biện pháp gì để phòng ngừa, xử lý tình trạng này?
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT về ngăn chặn thực phẩm lậu, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tăng cường vào cuộc, trong đó có Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN-PTNT. Bộ Công an đã có các chuyên án phát hiện và đang tiếp tục điều tra làm rõ một số vấn đề liên quan các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Mới đây, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND một số tỉnh ở khu vực biên giới Tây Nam đề nghị ngăn chặn thịt heo lậu. Hiện nay, giữa Việt Nam và nước xuất khẩu chưa có thỏa thuận thú y về nhập khẩu các sản phẩm động vật, cho nên việc vận chuyển các sản phẩm này là hoàn toàn trái phép. Cục Thú y đang phối hợp với cơ quan công an để xử lý tình trạng này, đồng thời công tác kiểm tra, phòng ngừa đang được các cơ quan triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Bên cạnh sản phẩm nhập lậu, thực tế việc kiểm soát chất lượng đối với các lô thực phẩm nhập khẩu chính ngạch cũng quan trọng không kém. Cơ quan chức năng sẽ xử lý vấn đề này thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, kiểm tra các lô hàng nhập khẩu để ngăn chặn các mẫu thịt, thực phẩm không đảm bảo an toàn, đặc biệt trong dịp tết. Chúng tôi đã tham mưu ban hành Thông tư 04 liên quan kiểm tra các lô thực phẩm nhập khẩu và sẽ tiếp tục rà soát tất cả quy định với nước xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Việt Nam để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thú y thế giới, trong đó yêu cầu phải đảm bảo 3 nhóm vấn đề: dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng rất băn khoăn với những sản phẩm có thời gian chăn nuôi ngắn ngày dạng “siêu tốc” là có thể đưa ra thị trường, cụ thể là gia cầm. Vậy, sản phẩm này có đảm bảo an toàn hay không?
Về chu kỳ chăn nuôi dài hay ngắn đều có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, từ con giống đến thức ăn chăn nuôi và quy trình chăn nuôi, quy trình giết mổ. Cơ quan chức năng giám sát các chỉ tiêu kỹ thuật, ví dụ giám sát dịch bệnh và chất cấm. Tất cả các thị trường nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam cũng đều cử cơ quan chức năng sang lấy mẫu kiểm tra xem có an toàn hay không.
Như vậy, ngoài việc cơ quan chức năng của Việt Nam tự lấy mẫu để kiểm tra giám sát thì còn có kênh độc lập là các cơ quan giám sát của nước ngoài. Do đó, tôi khẳng định, với sự phối hợp quản lý của nhiều cơ quan chức năng như thú y, chăn nuôi, quản lý thị trường… thì các sản phẩm gia cầm như gà công nghiệp 45 ngày tuổi, thậm chí 35 ngày tuổi, vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.