Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch sinh thái tắm suối, thác
Với thời tiết oi bức, tại một số điểm du lịch sinh thái suối, thác... trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoại tỉnh, kể cả du khách quốc tế. Tuy nhiên, thực tế, tại một số suối, thác vẫn chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Tại huyện miền núi Nam Đông - nằm cách TP Huế khoảng 50km, từ khi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đi vào hoạt động đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với tắm suối. Với địa hình miền núi có nhiều suối và thác như: thác Mơ, thác Phướn, thác Trượt (thôn Xuân Phú, xã Hương Phú), thác KaZan… xung quanh suối được bao bọc bởi những cánh rừng gần như còn nguyên sinh với nhiều loài cây cổ thụ tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Nơi đây, có ngày, cao điểm đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tắm và vui chơi mỗi ngày.
Tại huyện miền núi A Lưới, những ngày hè nóng oi bức với nhiệt độ trên 40 độ C thì các điểm du lịch sinh thái kèm với tắm suối, thác lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Đặc biệt, các điểm như: suối Pârle (xã Hồng Hạ), thác A Nôr (xã Hồng Kim), suối A Lin (xã Hồng Vân), suối khoáng nóng A Roàng (xã A Roàng) có nhiều lúc quá tải do lượng khách đông. Theo các đơn vị làm tour, nhu cầu nghỉ dưỡng bằng tắm suối của khách đang tăng mạnh bởi ngoài chi phí thấp, tại các con suối, du khách có thể vui chơi và nghỉ dưỡng suốt cả ngày mà không bị thời tiết nắng nóng cản trở.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, A Lưới có lợi thế về các điểm du lịch suối thác. Nhiều năm gần đây, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện luôn trở thành lựa chọn của rất đông du khách. Có điểm du lịch trong ngày thu hút hơn cả ngàn lượt khách để tắm, trải nghiệm dịch vụ. Các khe, suối, điểm du lịch mới tại A Lưới cũng được nhiều khách lựa chọn trải nghiệm, kết hợp cắm trại, dã ngoại…
Tại các điểm suối thác ở các huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà, du khách đến trải nghiệm rất lớn, đặc biệt là khách địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nhi đến từ Đà Nẵng chia sẻ, dịp lễ vừa rồi, chị và cơ quan gần 50 người ra Huế chơi rồi cùng nhau đi tắm thác ở Phú Lộc kết hợp đến thưởng thức hải sản bên đầm Lập An. “Đi suối thác để giải nhiệt mùa này rất thích hợp”, chị Nhi nói.
Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Lộc cho biết: “Nhờ đầu tư, nâng cấp các điểm du lịch gắn với tăng chất lượng dịch vụ, dịp cuối tuần, ngày lễ, các điểm suối thác trên địa bàn huyện luôn hút khách. Đặc biệt là các kỳ nghỉ dài ngày như dịp 30/4 – 1/5 vừa qua, du lịch suối, thác đã trở thành loại hình du lịch góp phần rất lớn trong bức tranh du lịch tổng thể du lịch của huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung”.
Thu hút khách là chuyện đáng mừng, song, một nỗi lo đi kèm là vấn đề an toàn cho du khách. Thực tế, tại các địa phương vẫn còn một số điểm tắm suối thác nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành được mô hình ban quản lý. Trong khi đó, một số khách lại ưa tìm những điểm suối thác vắng người để đi phượt, tự do trải nghiệm nên gây mất an toàn. Vì vậy, tại các điểm này không có ban quản lý, nhân viên cứu hộ, nếu không may thì rất dễ xảy ra tai nạn. Thực tế, những năm qua và từ đầu hè năm 2024 đến nay, tại Thừa Thiên Huế cũng như một số tỉnh, thành ở miền Trung đã xảy ra tình trạng du khách và người dân đi tắm suối tử vong do đuối nước hoặc bị thương tích. Mới đây nhất, ngày 1/5 vừa qua, anh N.V.H. (25 tuổi, trú xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) bị đuối nước tử vong khi đi nghỉ mát cùng gia đình tại khu vực khe suối chảy qua sông Truồi thuộc địa phận Nam Khe Dài (xã Lộc Hòa). Sau một lúc tắm suối, những người đi cùng phát hiện anh H mất tích nên báo với Công an xã Lộc Hòa và chính quyền địa phương. Nhận tin báo, lực lượng chức năng phối hợp người dân địa phương, người nhà khẩn trương tổ chức tìm kiếm nạn nhân. Sau đó, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh H. Cơ quan Công an xác định, nguyên nhân anh H tử vong là do đuối nước và điều đáng nói, khu vực nơi anh H tử vong là điểm tắm suối tự phát.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Lộc, từ thực tế các vụ tai nạn qua các năm, ngoài kiểm tra nhắc nhở của cơ quan quản lý, trách nhiệm vô cùng quan trọng ở đây là thuộc về các hộ kinh doanh, nhất là các chủ sạp tại các bãi tắm du lịch phải chủ động đảm bảo an toàn cho khách. Các hộ kinh doanh cần phải có trách nhiệm nhắc nhở, cảnh báo cho khách biết khi đến sử dụng dịch vụ tại sạp của mình, nhất là đối với khách ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, các hồ tắm cần có cứu hộ túc trực và được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, sơ cứu. Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ các biển cảnh báo độ sâu, trơn trượt, nội quy khi khách tham gia vui chơi…
Trung tá Phan Lê Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an xã Hương Phú, huyện Nam Đông cho biết, trên địa bàn xã có các điểm du lịch suối, thác nhiều nhất huyện. Đối với các điểm du lịch do các công ty khai thác bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo theo quy định pháp luật thì tại các điểm tắm thác do các hộ dân kinh doanh, đầu mùa hè, Công an xã đã tham mưu cho UBND xã mời tất cả các hộ kinh doanh lên ký cam kết trang bị các dụng cụ, đồ bảo hộ, phương tiện… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm. Đồng thời, Công an xã đã phối hợp với các hộ kinh doanh cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm có độ sâu cao, các vách đá gần núi... Bên cạnh đó, vào những ngày cao điểm khi lượng du khách đổ về xã đông thì Công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát vừa đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách. Nhờ vậy, những năm qua, tại các điểm tắm suối, thác trên địa bàn xã Hương Phú nói riêng và huyện Nam Đông nói chung không xảy ra vụ tai nạn nào.
Nhằm thắt chặt quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại suối, thác, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế có văn bản đến các huyện, thị xã và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước gắn với công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý khi xảy ra vi phạm tại các điểm du lịch.