Đảm bảo an ninh lương thực trong nước, có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo

Bộ NNPTNT dự tính, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn.

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030

Theo TTXVN, hiện gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng lương thực chính của hộ gia đình. Do vậy, việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đồng thời bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Bộ Chính trị đã có Kết luận Số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”; trong đó nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; trong đó yêu cầu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.

Cùng với đảm bảo sản lượng lúa gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng an ninh lương thực giờ không chỉ lúa gạo mà còn cả thực phẩm. Việt Nam có thể sản xuất rau quả với 19 triệu tấn, 7,6 tấn thịt các loại, 18,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa, thủy sản trên 9 triệu tấn... Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lượng thực trong mọi hoàn cảnh.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với việc đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn lúa, Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo năm nay, góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.

Hiện nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang, đẩy áp lực lạm phát cũng tăng theo. “Cơn khát” lương thực dường như chưa có dấu diệu dừng lại. Nhiều nước đã phải tung ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường gạo như thắt chặt xuất khẩu, tăng nhập khẩu để tăng dự trữ…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi từ sản xuất số lượng sang chất lượng; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với quan điểm đa mục tiêu, đa ngành để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường và nhu cầu đa dạng của thị trường quốc tế và trong nước. Đồng thời, ngành cũng phải tổ chức lại sản xuất, năng lực tổ chức hợp tác xã, hiệp hội theo chuỗi giá trị.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia Chuyển đổi Hệ thống Lương thực Thực phẩm Minh bạch, Trách nhiệm và Bền vững đến năm 2030 để khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp và giảm thiểu sự đánh đổi về phát triển kinh tế với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch trong bối cảnh "được mùa được giá"

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng, cả nước đã thu hoạch 33,6 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy 625,7 nghìn ha lúa Thu Đông, tăng 8,8%. Hiện nay, một số diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch trong bối cảnh "được mùa được giá", nông dân thu lợi nhuận tốt.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023 diện tích trồng lúa ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha. Để tránh hạn mặn ở một số vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ và do giá lúa đang ở mức cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bắt đầu xuống giống từ ngày 10-10-2023.

Như vậy, với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10 thì đến tháng 1-2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo.

Nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Mặt khác, giá gạo toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi tình hình nguồn cung không quá khả quan như hiện tại. Để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao.

Trong vài tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao dẫn đến giá lúa, gạo trong nước cũng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lúa gạo từ đầu mối nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát, chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong thu mua lúa để bảo đảm các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký.

Trước những diễn biến tích cực, dự báo từ giờ đến cuối năm, một mặt cần bảo đảm sản xuất, ổn định nguồn cung gạo xuất khẩu thì các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp bình ổn thị trường. Đồng thời các nhân tố tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo cũng cần giữ uy tín, có trách nhiệm với các hợp đồng thu mua lúa gạo đã ký trong nước.

Tiếp đà tăng, dự kiến xuất khẩu gạo năm nay đạt trên 7,5 triệu tấn

Trao đổi với TC Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo cũng như tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Đáng chý ý, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).

Để làm được điều này doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tham khảo thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác. Cùng với đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dam-bao-an-ninh-luong-thuc-trong-nuoc-a631478.html