Đại học Hàn Quốc tìm cách 'sinh tồn' do thiếu sinh viên

Không tuyển được sinh viên, nhiều trường đại học tại Hàn Quốc, đặc biệt là các trường địa phương, thông báo đóng hàng loạt khoa và chuyên ngành hoặc sáp nhập lại để 'sinh tồn'.

 Sinh viên đặt hoa tưởng niệm sau khi khoa Xã hội học của Đại học Daegu đóng cửa. Ảnh: Yonhap.

Sinh viên đặt hoa tưởng niệm sau khi khoa Xã hội học của Đại học Daegu đóng cửa. Ảnh: Yonhap.

Từ năm 2025, Đại học Daegu (Hàn Quốc) sẽ không tuyển sinh khoa Xã Hội học. Đáp lại thông báo này, sinh viên và giáo sư của khoa đã tổ chức sự kiện tưởng niệm theo chủ đề tang lễ vào hai ngày 7-8/11 để đánh dấu việc khoa đóng cửa sau 45 năm thành lập.

"Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của khoa Xã hội học, đồng thời nhấn mạnh rằng giá trị và di sản của khoa vẫn tồn tại ngay cả sau khi đóng cửa", một nhân viên của khoa cho biết.

Những người tham gia, bao gồm sinh viên, giáo sư và giảng viên, mặc đồ đen, ký sổ tang và đặt hoa tưởng niệm, tương tự nghi lễ tang lễ. Các khoa Xã hội học từ các trường Đại học Sogang và Đại học Quốc gia Busan cũng gửi điện hoa chia buồn.

Buộc đóng cửa nhiều khoa, chuyên ngành

Quyết định của Đại học Daegu là ví dụ cho xu hướng chung về tỷ lệ tuyển sinh giảm dẫn đến việc đóng cửa các khoa, ngành tại Hàn Quốc. Năm nay, chỉ có 14 sinh viên đăng ký vào khoa Xã hội học của trường, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 31 sinh viên.

Xã hội học là một trong 6 khoa tại Đại học Daegu sẽ ngừng tuyển sinh vào năm tới. Đại học Quốc gia Busan cũng đã công bố kế hoạch đóng cửa dần các ngành Giáo dục tiếng Pháp và tiếng Đức, thuộc khoa Giáo dục, lý do là sự thay đổi dân số và nhu cầu học thuật.

"Với dân số trong độ tuổi đi học giảm và nhu cầu ngôn ngữ thay đổi trong kỷ nguyên AI, chúng tôi quyết định loại bỏ dần các ngành này như một phần của nỗ lực tái cấu trúc học thuật", một lãnh đạo của Đại học Quốc gia Busan cho biết.

Trường lưu ý rằng sinh viên muốn theo đuổi sư phạm tiếng Pháp hoặc tiếng Đức vẫn có thể theo học các ngành liên quan tại khoa Nhân văn, chẳng hạn như Văn học Pháp và Văn học Đức, sau đó thi lấy chứng chỉ sư phạm.

Bên cạnh đó, một số trường thông báo đóng cửa không chỉ do số lượng tuyển sinh giảm mà còn do khó khăn tài chính. Cao đẳng Du lịch Kangwon đã tự nguyện đóng cửa vào tháng 2. Đây là trường cao đẳng thứ hai đóng cửa kể từ năm 2018.

Sau khi đóng cửa, các thủ tục chuyển tiếp đặc biệt đã được sắp xếp để chuyển sinh viên sang học tại Đại học Gangdong và Đại học Gangneung Yeongdong.

 Các trường đại học tại Hàn Quốc, đặc biệt là đại học ở các địa phương phải đóng cửa các ngành học không được ưa chuộng. Ảnh: Korea Times.

Các trường đại học tại Hàn Quốc, đặc biệt là đại học ở các địa phương phải đóng cửa các ngành học không được ưa chuộng. Ảnh: Korea Times.

Loay hoay tìm cách "sinh tồn"

Theo ước tính dân số tương lai của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi đi học (từ 6 đến 21 tuổi) đã giảm xuống còn 7,15 triệu người trong năm nay, chỉ chiếm 13,8% tổng dân số.

Con số này giảm dần đều kể từ năm 1984, khi dân số trong độ tuổi đi học là 13,84 triệu người, chiếm 34,3% tổng dân số. Cơ quan Thống kê dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 3,77 triệu người (chiếm 8,9% dân số) vào năm 2060.

Dân số trong độ tuổi đi học suy giảm mạnh đã tác động lớn đến giáo dục đại học. Tính đến tháng 4/2024, số lượng sinh viên theo học tại các trường đại học và sau đại học đã giảm xuống còn 3 triệu người, giảm 18% trong 10 năm qua.

Giữa cuộc khủng hoảng tuyển sinh, ngoài việc đóng một số ngành, các trường đại học đang áp dụng nhiều biện pháp để "sinh tồn", như mở ngành có nhu cầu cao hoặc sáp nhập các chuyên ngành hiện có.

Năm 2023, Đại học Wonkwang đã ra mắt các ngành mới, bao gồm ngành Cứu hộ Khẩn cấp, ngành Kỹ thuật Hệ thống Đường sắt và ngành Game Content, để thu hút sinh viên năm nhất.

Đại học Nữ Kyung-in đã quyết định mở ngành Vệ sinh nha khoa và ngành Công nghiệp Thú cưng.

"Tại các trường đại học địa phương, những cải cách này là một phần của chiến lược 'sinh tồn' để đảm bảo nguồn lực sinh viên", GS Park Joo-ho, giáo sư tại khoa Giáo dục của Đại học Hanyang, cho biết.

Ông giải thích rằng không phải tất cả trường đại học đều có thể duy trì vĩnh viễn mọi khoa, ngành. Vì vậy, việc giảm quy mô các chương trình học có nhu cầu thấp là hợp lý.

"Tuy nhiên, mỗi chuyên ngành đều có giá trị giáo dục riêng, chính phủ nên can thiệp để hỗ trợ và bảo tồn chúng ở mức độ bền vững", GS Park nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dai-hoc-han-quoc-tim-cach-sinh-ton-do-thieu-sinh-vien-post1512049.html