Đại biểu Quốc hội yêu cầu có phương án PCCC với từng loại hình công trình

Bên hành lang của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 24/5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ xót xa, đau lòng trước vụ cháy thương tâm làm 14 người tử vong tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề

Chia sẻ với báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: "vụ cháy xảy ra Hà Nội rất là thương tâm, tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề mà Hà Nội trong thời gian qua chưa khắc phục được. Bởi vì rất nhiều năm nay đã xảy ra nhiều vụ cháy Thủ đô liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini... do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

"Trong công tác kiểm tra, đánh giá đối với trường hợp này ra sao? Bây giờ anh thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì biết được để có cảnh báo, còn nếu không thường xuyên cảnh giác thì làm sao anh cảnh báo được?

Nếu đánh giá là không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động. Có sự cương quyết như thế thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Nêu thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... đại biểu cho rằng, đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm và nghiên cứu để khắc phục.

Công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố là rất cần thiết

Bày tỏ sự đau xót nói về vụ việc này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội, sẽ rất là khó khăn. Bởi lẽ, số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở thủ đô là rất lớn, nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

"Đối với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng. Và nếu dừng, những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu? Tôi tin là con số đó không hề nhỏ. Vì thế, nếu làm theo phương án trên thì tác động xã hội là vô cùng lớn. Nhưng chúng ta cũng không thể không làm. Vậy làm như thế nào?" - đại biểu trăn trở.

Theo đại biểu Việt Nga, các quy định PCCC đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là rà soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng công thức chung.

Đại biểu nêu ví dụ đối với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, chúng ta không thể mở đường cho xe chữa cháy đủ để vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm. Do đó, phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm, khi có tai nạn thì người trong nhà nhanh chóng thoát hiểm được.

"Tiếp đó, công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố là rất cần thiết. Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, khi ấy mới tập trung, nhưng sau đó lại bị trôi đi. Việc tập huấn hàng năm rất quan trọng" - đại biểu nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu, vấn đề quan trọng tiếp theo ý thức của con người. Nhiều khi người ta không nghĩ hành vi của mình là bất cẩn, dẫn đến hậu quả. Theo thống kê, nhiều vụ cháy xảy ra do hành vi chủ quan, tắc trách của con người (kinh doanh dễ cháy nổ chung với thuê trọ, sử dụng thiết bị điện không đúng quy chuẩn…)

Nêu giải pháp, đại biểu cho rằng khi phát triển nhà ở xã hội, cần quan tâm hơn phân khúc nhà ở xã hội cho thuê. Hiện loại hình này đã được nhiều ưu đãi nhưng giá vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Ví dụ ở Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động khoảng 11-14 triệu/m2, với 1 căn khoảng 50m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền lớn, vượt khả năng chi trả. Với mức lương chỉ đủ sống, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể.

"Nguyện vọng của rất đông người lao động ở đô thị mong được sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng dưới dạng cho thuê trả tiền hàng tháng chứ không phải mà mua đứt luôn. Khi ở những nơi như này, chắc chắn hạ tầng PCCC sẽ đảm bảo hơn" - đại biểu bày tỏ.

Trước đó, điều hành phiên làm việc buổi sáng 24/5 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các lực lượng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong cả nước; hướng dẫn và thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy, nổ.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-co-phuong-an-pccc-voi-tung-loai-hinh-cong-trinh-20240524110456081.htm