Đại biểu Quốc hội: Xuất khẩu là thế mạnh trong tăng trưởng

Theo đại biểu Quốc hội, nước ta có nhiều cơ hội đang mở ra để tăng trưởng kinh tế nhanh. Đặc biệt, xuất khẩu là thế mạnh trong tăng trưởng.

Nhiều cơ hội đang mở ra

Chiều 14/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cho biết, năm 2025, nước ta có rất nhiều cơ hội đang mở ra để tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Cơ hội thứ nhất nhìn thấy rất rõ là đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế năm 2024 đang trên đà tăng trưởng khá liên tục, từ quý I là 5,9%, quý II là 6,8%, quý III là 7,4%, quý IV là 7,5%, đây là đà phục hồi tốt và có thể sẽ tiếp nối sang năm 2025.

Thứ hai, tăng trưởng diễn ra khá đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực và các địa phương, cho thấy đà tăng trưởng vững chắc.

Điểm thuận lợi thứ 3 trong năm 2025 là trong năm 2024, về cơ bản đã giải quyết được nhiều nút thắt về thể chế và tăng trưởng, đặc biệt là từ những luật liên quan đến nguồn lực như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng. Các nút thắt được tháo gỡ và sẽ tạo cơ hội cho phục hồi tăng trưởng.

“Trong phục hồi tăng trưởng năm 2025, tôi kỳ vọng nhất là tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản. Nếu bất động sản tăng trưởng tốt, giải quyết được nút thắt thì sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế” - ông Hoàng Văn Cường nói.

Đặc biệt, xuất khẩu trong năm qua đóng góp rất lớn vào tăng trưởng, hiện nay động lực này đang phục hồi khá tốt. "Đây là những cơ hội rất lớn trong năm 2025, nếu chúng ta nắm bắt tốt được các cơ hội này thì sẽ tạo ra được bứt phá tiếp theo" - đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Dồn sức tìm cách vượt qua các khó khăn

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng cho rằng, năm 2025 còn có rất nhiều thách thức đặt ra. Cụ thể, năm 2024 tăng trưởng 7,09% dựa trên nền năm 2023 chỉ 5,04%. Năm 2025 đặt mục tiêu 8% trên nền 7,09% là vô cùng khó.

Xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng - Ảnh minh họa

Xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng - Ảnh minh họa

Nhìn lại lịch sử kinh tế Việt Nam cứ năm trước tốc độ tăng trưởng thấp thì năm sau sẽ dễ cao hơn, còn năm trước đã tăng trưởng cao vượt bậc rồi thì năm sau rất khó để tạo bứt phá. Đấy là điều khó khăn mà chúng ta có thể nhìn thấy và để vượt qua đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực, quyết tâm rất lớn.

Xuất khẩu là thế mạnh trong tăng trưởng, nhưng đến năm 2025 xuất khẩu đang bị đe dọa bởi vấn đề liên quan đến trách nhiệm thương mại.

Một thách thức rất lớn khác cho tăng trưởng đó là năm 2025 là năm chúng ta phải đồng thời tiến hành vô cùng nhiều nhiệm vụ lớn, trong đó có việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy; thực hiện các công việc chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2026-2030…

“Một loạt những nhiệm vụ lớn như vậy có thể sẽ khiến phân tâm, phân tán các điều kiện, các nguồn lực. Chúng ta đang đứng trước các cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng rất là cao" - ông Hoàng Văn Cường lưu ý.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là nghị quyết bắt buộc chúng ta phải dồn sức vào tìm cách vượt qua các khó khăn để chớp thời cơ. Nếu chúng ta làm được điều đó thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu 8%.

Vừa qua, Chính phủ cũng có nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng địa phương, các công việc phải hoàn thành cho từng ngành. Nếu chúng ta hành động đồng bộ được như thế thì sẽ tạo ra xung lực góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng chung.

Về giải pháp, đại biểu đồng tình với các giải pháp được Chính phủ đề cập. Nhấn mạnh thêm, phải tiếp tục tháo gỡ rào cản về mặt thể chế để hỗ trợ các điều kiện cho khu vực tư nhân phục hồi nhanh.

Đồng thời, đầu tư công năm 2025 rất lớn, chúng ta không nên chỉ dừng lại đầu tư cho các lĩnh vực về hạ tầng mà phải chuyển sang đầu tư cả cho khu vực về sản xuất.

Mặt khác, thúc đẩy phát triển khu vực bất động sản. Nếu thị trường bất động sản tháo gỡ nhanh, các dự án bất động sản sớm được đưa vào khởi công, phát triển nhanh thì sẽ tạo động lực tốt.

Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-xuat-khau-la-the-manh-trong-tang-truong-373892.html