Đại biểu Quốc hội: 'Cần làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội?'
Sáng 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Tránh trục lợi chính sách về nhà ở xã hội
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ đồng tình lựa chọn chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan".
Đại biểu Hoàn cho rằng, chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Tuy pháp luật, chính sách đã có, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội cho người dân còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau.
Đại biểu cho rằng cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Từ đó, đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005) cho đến năm 2023, để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
"Nội dung giám sát cần làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, thực trạng sử dụng, cơ sở hạ tầng như chợ, nơi mua sắm, khoảng cách tiếp cận nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương", đại biểu Hoàn đề nghị.
Ngoài ra, nội dung giám sát phải trả lời được các vấn đề tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào.
Cần có gói hỗ trợ khẩn cấp cho an sinh xã hội
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì đồng tình với việc giám sát chuyên đề 1 về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ngân mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển động, thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện tình hình nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, vị đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, nếu chờ tới năm 2024 mới xong giám sát Nghị quyết 43 thì e rằng muộn. Bởi nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì áp lực sẽ gia tăng với an sinh rất lớn.
Theo báo cáo của các cơ quan, số lượng lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ lao động trong thời gian gần đây rất lớn, đến hơn 500.000 lao động.
“
Liên quan đến việc giảm thuế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu đọc số liệu cứ nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách nhưng rõ ràng năm 2022 tiến hành giảm thuế và thu ngân sách dự toán 1,4 triệu tỉ đồng, song đến cuối năm thực thu trên 1,8 triệu tỉ đồng.
"Thu ngân sách vượt dự toán trên 400.000 tỉ đồng, như vậy rõ ràng việc giảm thuế là cần thiết, giúp tăng doanh thu, góp phần giải quyết việc làm", ông Ngân nhìn nhận.
"Ngày hôm qua, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành giải quyết ngay khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng nêu gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Nghị quyết 43 cho đến nay mới giải ngân được 87.300 tỉ đồng/301.000 tỉ đồng, không kể 46.000 tỉ đồng cho y tế.
Tỉ lệ như vậy mới được 29% mà đã mất 1,5 năm trong khi gói này có thời hạn chỉ 2 năm. Do vậy, phải nỗ lực nhiều hơn", ông Ngân nói.
Vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội được ban hành, triển khai thực hiện là một dấu ấn đột phá, chưa có tiền lệ, góp phần rất quan trọng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Từ đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới.
Theo đại biểu, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Cần giám sát tối cao của Quốc hội đối với chuyên đề này để có sự đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được, làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Đồng thời, đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, để đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.