Lập nghiệp trên quê hương

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay tạo điều kiện cho hàng trăm thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Khánh Vĩnh có việc làm ổn định trong các nhà máy, công ty, khu du lịch…; qua đó giúp họ lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Lao động người dân tộc thiểu số biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Lao động người dân tộc thiểu số biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Làm việc trong doanh nghiệp

Từ 6 giờ sáng, thay vì theo mẹ lên nương rẫy như trước đây, anh Cao Huỳnh Sơn (25 tuổi, người Raglai, ở thị trấn Khánh Vĩnh) dậy sớm sửa soạn đồng phục chỉnh tề để chuẩn bị đi làm ở Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh). Cung đường từ nhà anh đến chỗ làm khoảng 20km, mấy năm nay đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp thành tuyến tỉnh lộ lớn, uốn lượn giữa núi rừng quê hương khiến mỗi ngày đi làm đều khiến anh thấy háo hức, chộn rộn.

Bố mất sớm, anh Sơn học hết lớp 12 rồi cùng mẹ đi làm nương rẫy, làm thuê khắp nơi. Năm 2023, lên các trang mạng xã hội, anh Sơn biết được Công viên Du lịch Yang Bay có đăng tin tuyển người làm và đã đăng ký để dự tuyển. Với những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho đồng bào DTTS ở địa phương, anh Sơn đã được Công viên Du lịch Yang Bay ký hợp đồng lao động. Anh Sơn chia sẻ: “Bắt đầu vào làm việc, tôi được sắp xếp vào bộ phận nhà hàng, biểu diễn văn nghệ để phục vụ khách du lịch. Tôi được các nghệ nhân cũng là người Raglai dạy chơi các loại nhạc cụ của đồng bào mình. Qua những tháng đầu còn bỡ ngỡ, giờ đây tôi đã có thể hát, biểu diễn được các loại nhạc cụ như: Đàn đá, mã la... thuần thục để phục vụ khách du lịch”. Nhờ vào làm việc ở Công viên Du lịch Yang Bay mà lần đầu tiên, anh Sơn được ký hợp đồng lao động với tiền lương, thưởng và chế độ bảo hiểm, cấp đồng phục làm việc. "Từ ngày có công việc tại công viên du lịch, tôi có thu nhập ổn định lo cho gia đình. Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được biểu diễn các ca khúc, nhạc cụ của đồng bào mình cho du khách ở trên chính mảnh đất mình sinh ra", anh Sơn xúc động nói.

Bạn trẻ người Raglai làm việc tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Bạn trẻ người Raglai làm việc tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Cuối năm 2023, chị Đrao H’Én (22 tuổi, người Ê đê, xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh) được nhận vào làm việc tại Nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu (Khánh Vĩnh). Chị Đrao H’Én chia sẻ: "Tôi học xong phổ thông thì tham gia công tác đoàn thanh niên tại xã, chưa có kinh nghiệm làm việc. Được nhận vào làm công nhân sản xuất tinh chế, nhặt tạp chất trong tổ yến, với sự hướng dẫn tận tình của các anh chị quản lý, giờ đây tôi đã có thể hoàn thành công việc thuận lợi, đáp ứng được chỉ tiêu sản lượng nhà máy đặt ra". Từ ngày có công việc mới, chị Đrao H’Én có thu nhập ổn định, lo được cho bản thân và gia đình.

Các bạn trẻ người dân tộc thiểu số làm việc tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn.

Các bạn trẻ người dân tộc thiểu số làm việc tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn.

Hôm gặp chúng tôi, anh Hà Lân Suôn (26 tuổi, xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh) đang làm việc ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn (thị trấn Khánh Vĩnh). Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo với 8 người, sau khi xuất ngũ, anh Suôn trở về quê rồi đi làm thợ sơn ở các công trình trong và ngoài tỉnh. “Tôi được tuyển vào công ty đến nay tròn 1 năm, được phân công vào phòng sản xuất, làm các công đoạn cắt, thu hoạch, phân loại… bưởi da xanh và các loại trái cây khác. Tôi được tham gia các lớp đào tạo ở công ty và thực tế tại các vườn trái cây. Mỗi ngày tôi làm việc 8 giờ, buổi trưa được công ty bố trí chỗ ăn, ngủ lại. Nhà cách chỗ làm chỉ 10km nên rất thuận lợi, tiền lương của tôi đến nay tính cả bảo hiểm là hơn 8 triệu đồng/ tháng”, anh Suôn vui mừng khoe.

Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công viên Du lịch Yang Bay (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt) cho biết, trước đây, đơn vị có 70 lao động, trong đó có 10 lao động người DTTS. Từ đầu năm 2024 đến nay, ban lãnh đạo Công viên Du lịch Yang Bay tạo điều kiện cho thêm 20 lao động người DTTS ở địa phương vào làm các công việc hành chính, hướng dẫn viên, chăm sóc cây xanh, dịch vụ buồng phòng, biểu diễn, lái xe… Các lao động mới vào làm được đào tạo bài bản kỹ thuật ươm, chăm sóc cây; kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Các lao động được ký hợp đồng lao động, hưởng mọi chế độ, lương thưởng, phụ cấp, đồng phục theo quy định. Không chỉ có sức khỏe tốt, làm việc chăm chỉ, hiệu quả, hình ảnh những nhân viên người DTTS làm việc, biểu diễn các bài hát, nhạc cụ dân tộc, hướng dẫn du khách cũng tạo nên nét đặc trưng riêng cho Công viên Du lịch Yang Bay, đem lại ấn tượng tốt cho du khách. Thời gian tới, Công viên Du lịch Yang Bay sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để đào tạo và tuyển dụng thêm lao động người DTTS vào đơn vị làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Lao động người dân tộc thiểu số biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Lao động người dân tộc thiểu số biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Công viên Du lịch Yang Bay.

Bà Phạm Thị Thu Huyền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa, Giám đốc Nhà máy chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa cho biết, hiện nay, đơn vị có 15 lao động người DTTS làm việc tại các vị trí nhân viên hành chính, công nhân sản xuất tinh chế, đóng gói sản phẩm… Ưu điểm của các lao động người DTTS là chăm chỉ, trung thực và ham học hỏi. Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu và sẽ tiếp tục ưu tiên tuyển dụng lao động người DTTS ở địa phương; tạo điều kiện tốt nhất để lao động người DTTS học tập, phát triển, nâng cao thu nhập.

Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, nhiều dự án, khu du lịch cộng đồng, công ty, cụm công nghiệp đã hình thành ở các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; cơ sở hạ tầng đồng bộ. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở địa phương, nhất là thanh niên DTTS. Nhiều bạn trẻ hiện nay không còn phải đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố khác mà đã được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vào làm việc có nguồn thu nhập ổn định, góp phần rất lớn trong việc xây dựng huyện trong giai đoạn phát triển mới.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202411/lap-nghiep-tren-que-huong-5b40eb3/