Sửa đổi Luật Hóa chất: Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến được đánh giá sẽ góp phần nâng cao công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) chiều 8/11, các đại biểu bày tỏ tán thành về sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trọng Quỳnh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trọng Quỳnh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng xác định ngành hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng; tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Đại biểu cũng nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6), đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết đối với chính sách quy định tại khoản 3 về bố trí ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất.

Về các hành vi bị cấm (Điều 7), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, cần quy định cụ thể hơn các hành vi bị cấm, thay vì chung chung "thực hiện hoạt động hóa chất trái quy định". Đồng thời, về sử dụng hóa chất (Điều 21), đại biểu đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền ban hành danh mục hóa chất cấm sử dụng là của Bộ trưởng, thông qua thông tư chứ không phải văn bản hành chính.

Góp ý cụ thể về Điều 71 Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trong dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, khi triển khai luật mới, UBND cấp tỉnh sẽ phải ban hành một Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đồng thời, trên cơ sở kế hoạch, phải tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.

Tích hợp kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất với các kế hoạch liên quan

Cũng tại phiên họp tổ chiều nay, thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH tán thành với việc sửa đổi Luật Hóa chất hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, sửa đổi Luật Hóa chất hiện hành cần bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Đối với quy định tại Điều 64 của dự thảo luật về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý, hiện nay, các quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có liên quan đến một số luật, như Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo…

Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ các căn cứ và tính khả thi của quy định này, bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả khi được ban hành. Đồng thời, rà soát các nội dung trong dự thảo luật và các luật khác có liên quan để bảo đảm phù hợp, thống nhất giữa các luật; nghiên cứu việc tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với các kế hoạch có liên quan đang được quy định tại các luật khác nhau, tránh chồng chéo và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật; hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; rà soát phạm vi điều chỉnh để không chồng chéo với một số luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Quản lý ngoại thương. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học...

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-luat-hoa-chat-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-ngua-ung-pho-su-co-hoa-chat-357750.html