'Đặc sản' trên phố

Sài Gòn - TP HCM là vùng đất hiền hòa, dang tay đón bao phận đời, phận người tứ xứ, để rồi ai đến thành phố này từ xa lạ cũng hóa thành thân quen, trở nên gần gũi

"Đến TP HCM mà không sống được nữa thì đi đâu?". Đó là câu cửa miệng của những người tha hương động viên nhau mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Quả thực, chỉ cần siêng năng, chịu thương chịu khó, vùng đất lành này không phụ bất cứ ai.

Trà đá nghĩa tình, bánh mì miễn phí, bữa cơm 0 đồng... không còn lạ gì với người dân sinh sống tại TP HCM. Từ các tuyến đường lớn đến những con hẻm nhỏ đều dễ dàng tìm thấy những "đặc sản" này.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ huyện Hóc Môn) gửi quà cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh

Ở TP HCM, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nghĩa tình như thế này - người dân tiếp sức, hỗ trợ công nhân vệ sinh trên đường phố

Mẹ tôi lớn lên và sinh sống ở Sài Gòn - TP HCM hơn 60 năm, quanh năm suốt tháng ở nhà nội trợ. Vài lần được ngao du thành phố trên xe buýt, bà ngạc nhiên, trầm trồ khen: "Người thành phố dễ thương quá!". Quả thật, từ ngã tư An Sương đến chợ Bến Thành, dọc đường Trường Chinh, Cách mạng Tháng Tám thi thoảng lại bắt gặp những thùng trà đá miễn phí. Để rồi ai lạ ai quen, từ anh chạy Grab đến chị nhặt ve chai đều dừng lại rót đầy chai nước mang theo uống. Dọc đường, mẹ tôi lại "sướng mắt" với các tủ "bánh mì miễn phí, mỗi người 1 ổ", quán cơm 0 đồng, cơm chay miễn phí...

Không còn là phong trào, mùa nắng hay mưa, những thùng trà đá miễn phí vẫn xuất hiện bên vệ đường; những tủ bánh mì, cơm 0 đồng vẫn đều đặn sẻ chia mỗi ngày. Chủ nhân không cần ai biết đến, mỗi sáng sớm mặc định bê thùng bánh ra vỉa hè cho người dân kịp bữa lót dạ.

Dịch Covid-19 đến, những cây ATM gạo, những điểm phát gạo, thực phẩm miễn phí cứ nối tiếp nhau ra đời, từ cá nhân, doanh nghiệp đến các cơ quan hành chính phường, xã, quận, huyện, MTTQ đều chung tay góp sức. Người có nhiều thì kéo dài thời gian phát quà, người có ít thì được bao nhiêu làm bấy nhiêu.

Nhớ lại những ngày ấy, cụ Phan Văn Hân - 75 tuổi, cán bộ hưu trí huyện Hóc Môn - bày tỏ: "Giống như ngày hội vậy, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều. Không ai bảo ai, họ cứ âm thầm góp một tay, giúp nhau vượt qua khó khăn của dịch bệnh".

Đâu chỉ có vậy, người dân TP HCM còn nổi tiếng với hoạt động "giải cứu" nông sản cho bà con nông dân nhiều tỉnh, thành. Hàng chục tấn nông sản của tỉnh Hải Dương bị bí đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được Đoàn Thanh niên phường 4, quận 3 phối hợp với một nhóm thiện nguyện "giải cứu" tại TP HCM. Phong trào lan rộng, hàng chục điểm "giải cứu" khác "mọc" lên, không chỉ Hải Dương mà nông sản các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven của Hà Nội cũng được bà con kêu gọi nhau mua với khối lượng lên đến hàng trăm tấn.

Nghĩa tình người Sài Gòn - TP HCM cũng không chỉ có ở những nơi hào hoa, phố thị. Trong những xóm nhỏ, khu trọ nghèo nàn, những câu chuyện tử tế vẫn diễn ra. Xóm trọ nằm sâu trong hẻm 120 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, ven con kênh nước đen có hàng chục người từ các tỉnh, thành tá túc trong 11 phòng hơn chục năm qua. Biết người ở trọ nghèo, khó khăn, bà Nguyễn Thị Đẹp, chủ nhà, mở tiệm tạp hóa bán gạo, mắm, dầu ăn, xà bông, nước rửa chén... với giá vốn. Người ở trọ cần gì cứ đến lấy, không có tiền thì ghi sổ trả sau.

Ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, hơn 2 năm nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, chứng kiến những người nghèo chật vật mưu sinh, chị Nguyễn Thị Thu Hương trích tiền túi và kêu gọi bạn bè cùng góp sức. Hàng trăm phần quà thiết thực được chị tận tay gửi đến những người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Kể sao cho hết những nghĩa tình, sự tử tế, hào hiệp của người dân TP HCM. Chỉ biết, nhắc đến Sài Gòn - TP HCM, người ta nhớ ngay đến vùng đất hiền hòa, dễ sống; con người gần gũi, chân thật, khoáng đạt, bao dung... Hơn 320 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn - TP HCM trở thành nơi đất lành chim đậu, nơi hội tụ của người dân khắp cả nước. Và, hàng triệu người đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dac-san-tren-pho-20210428214210866.htm