Đặc sản của người Tày ở Bình Liêu
Với người dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, bánh coóc mò là loại bánh truyền thống, mang đậm dấu ấn núi rừng Đông Bắc. Bánh coóc mò là món ăn được ưa chuộng nhất trong những ngày lễ, Tết, cưới hỏi hay cả những ngày thường của người dân, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tày ở Bình Liêu.
Ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có nhiều dân tộc sinh sống xen kẽ, nhưng người Tày chiếm đa số ở thị trấn và ở thôn, bản của các xã vùng thấp như Vô Ngại, Lục Hồn và Đồng Tâm. Người Tày thường sống tập trung thành từng bản ở chân đồi, núi, ven sông, suối, gần những đám ruộng, nương mình tự khai phá để dựa vào đó sinh sống. Do diện tích đất nông nghiệp của Bình Liêu rất hẹp nên người Tày thường trồng lúa và hoa màu trên những thửa ruộng bậc thang trải dài theo các thung lũng, sườn dồi, bãi bồi ven sông. Khí hậu ở Bình Liêu mát mẻ quanh năm nên thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hằng năm, người Tày ở huyện Bình Liêu lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới với mong muốn tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa vụ tốt tươi, cho nhà nhà no ấm. Bên cạnh đó, bánh coóc mò còn là thông điệp về tình đoàn kết, sung túc của đồng bào dân tộc vùng cao.
Người Tày quan niệm, thóc lúa phơi khô sau khi làm lễ cúng cơm mới mới được mang ra nấu hay biếu, bán cho người khác. Một trong những loại bánh được làm phổ biến sau khi cúng cơm mới là bánh coóc mò. Cũng theo truyền thống của người Tày, trong ngày đầy tháng hay thôi nôi của trẻ, người Tày hay làm bánh coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn của ông bà, cha mẹ.
Bánh coóc mò có 3 góc hình chóp nhọn trông giống chiếc sừng bò (trong tiếng Tày, sừng bò gọi là coóc mò), vì lẽ đó, bánh mới có tên gọi như thế. Bánh coóc mò có hai loại là có nhân và không nhân. Bánh không nhân thường được gói vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, các ngày lễ hội của người Tày như Ngày hội Kiêng gió, lễ hội hoa sở. Bánh có nhân thường có quanh năm, được bày bán nhiều thành từng chùm, từng cặp trong các dịp chợ phiên. Các bà, các mẹ đi chợ sẽ mua bánh về làm quà cho trẻ con ở nhà. Ngày trước, chưa có nhiều thứ quà như bây giờ thì đối với trẻ em Tày, bánh coóc mò là thứ quà rất được chúng yêu thích và háo hức khi được ăn.
Để làm bánh coóc mò, người Tày sử dụng nguyên liệu chủ yếu là từ gạo nếp sau khi đã cúng cơm mới. Bánh không nhân có thể để được lâu trong điều kiện khí hậu bình thường mà không bị thiu nhân bánh. Bánh có nhân thì thịt lợn ba chỉ và lá cơm lông được cho vào làm nhân. Lá cơm lông là một loại lá cây mọc nhiều ở Bình Liêu, có hương thơm, tính mát, có vị ngọt bùi, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khỏe, lúc được nấu chín hoặc xay nhuyễn, lá cây cơm lông có màu đỏ tía, đẹp, bắt mắt. Bà Nông Thị Hồng, ở xã Lục Hồn cho biết: “Sự đặc biệt tạo nên hương vị của bánh coóc mò là từ lá chít gói bánh và lá cơm lông cho vào nhân bánh để bánh dậy mùi thơm, đằm vị và đỡ ngán. Đây là nét riêng chỉ có ở bánh coóc mò của người Tày ở Bình Liêu”.
Công đoạn chuẩn bị và cách gói bánh của người Tày cũng quyết định đến vị ngon của bánh coóc mò. Vẫn chỉ là những nguyên liệu quen thuộc, nhưng bánh coóc mò lại có nét đặc sắc riêng đến từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cách gói bánh và hình dáng bánh. Gạo nếp là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn đều, được đãi sạch, để ráo rồi ngâm vào nước tro vài tiếng đồng hồ để khi luộc bánh chín sẽ tạo màu ngả vàng đẹp mắt. Khi gói, người Tày xếp lá chít thành hình vuông, sau đó cuộn lại thành hình chóp nhọn giống chiếc sừng bò, rồi múc gạo đổ đầy vào bánh, đồng thời vỗ cho gạo nếp chặt lại. Với bánh có nhân, người gói cho thêm nhân bánh là thịt lợn ba chỉ thái miếng tẩm chút gia vị và lá cơm lông xay nhuyễn, có nơi còn cho thêm lạc, rồi gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc chặt lại. Bánh gói xong cuốn thành hình chóp nhọn giống chiếc sừng bò. Sau đó được buộc lại thành từng chùm hoặc để riêng lẻ từng chiếc rồi ngâm vào thùng nước lạnh để khi luộc bánh không bị vỡ. Đây là kinh nghiệm của người Tày được đúc rút qua rất nhiều lần làm bánh. Sau đó, người ta vớt bánh ra thả vào nồi ngập nước, luộc bánh trong khoảng từ 2-3 tiếng đồng hồ thì bánh chín.
Bánh coóc mò luộc chín cắt ra sẽ có màu vàng đậm, đẹp mắt, dền như bánh chưng, phả hương thơm đặc trưng của gạo nếp và thơm mùi của lá gói. Nhân bánh có màu đỏ đặc trưng. Khi ăn bánh sẽ cảm nhận được vị ngậy bùi của thịt lợn và lá cơm lông nhưng không bị ngấy. Với bánh coóc mò không nhân, người Tày ăn kèm với mật ong hay mật mía đều rất ngon.
Từ lâu, bánh coóc mò đã trở thành một món ăn, đặc sản của người Tày ở Bình Liêu. Chẳng phải là thứ cao lương mĩ vị, bánh coóc mò dân dã hấp dẫn người thưởng thức bởi chính sự mộc mạc, bình dị của những nguyên liệu từ núi rừng. Có dịp đến Bình Liêu, bạn hãy nhớ thưởng thức bánh coóc mò để cảm nhận được hương vị của núi rừng và sự mộc mạc, bình dị của những người dân tộc Tày chân chất, đôn hậu.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dac-san-cua-nguoi-tay-o-binh-lieu-post430677.html