Đà Nẵng: Cần giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị tận dụng nguồn lực 120.000 tỷ đồng và cả nguồn vốn nhà đầu tư để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Ngày 18/7, phát biểu tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng (HĐND), nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường đã đề nghị Thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường, với quỹ nhà ở xã hội đã hoàn thành và dự kiến đầu tư xây dựng trong thời gian, Thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đáp ứng về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy vậy, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, quy định bắt buộc về việc bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mang tính cứng nhắc, chưa phù hợp với quy mô, tính chất từng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; chưa phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt và chưa phù hợp với tính chất của từng đô thị.

Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường phát biểu tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

Bất cập trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhưng phải thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký.

Ngày 16/8/2021, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BXD hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư vẫn còn phức tạp và thời gian kéo dài.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư xây dựng thì phải thực hiện thủ tục gần như tương tự dự án nhà ở thương mại; các chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước chưa đủ hấp dẫn, chưa khuyến khích nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó chưa phát huy nguồn lực của Nhà nước để đầu tư phát triển nhà ở xã hội khi quy định hiện hành chỉ cho phép Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, cho thuê mua; trường hợp muốn bán nhà ở xã hội để tái đầu tư nhà ở xã hội khác thì phải lập Đề án báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội và Chương trình “3 có” của Thành phố, ông Nguyễn Lê Mậu Cường đề nghị cần kiến nghị Quốc hội để điều chỉnh Luật Nhà ở 2014 về việc dành quỹ đất 20% diện tích đất ở trong các dự án phát triển đô thị theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập các đồ án quy hoạch để xem xét bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được duyệt và phù hợp với tính chất của từng đô thị.

Ngoài ra, cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét, phân cấp cho UBND thành phố tự xây dựng Đề án và chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện. Xem xét điều chỉnh Thông tư số 09/2021/TT-BXD về hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Theo đó nên đơn giản hóa về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn Chủ đầu tư, nhất là đối với dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Ông Nguyễn Lê Mậu Cường cũng đề nghị Thành phố cần xây dựng giải pháp cụ thể, tận dụng tối đa nguồn lực 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng nhà nước về phát triển nhà ở xã hội được quy định tại Nghị quyết nêu trên. Ngoài ra, cần tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư từ nhà đầu tư tư nhân; đầu tư nguồn lực từ ngân sách thì cân nhắc tùy theo từng thời điểm phù hợp…

Thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đáp ứng về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Tính đến này, TP. Đà Nẵng đã xây dựng 12.933 căn hộ chung cư. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 6.467 căn hộ; giai đoạn 2026-2030 là 6.466 căn hộ.

Đến tháng 5/2023, Đà Nẵng đã hoàn thành 15.213 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên.

Đối với vốn ngân sách Nhà nước thì đã hoàn thành 39 dự án chung cư với 10.579 căn hộ và 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng; đang thực hiện thủ tục chuyển đổi công năng 2 dự án ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho công nhân với 728 căn hộ và đang triển khai 1 dự án với 209 căn hộ; đang thực hiện công tác chuẩn bị dự án Chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên với 209 căn hộ.

Đối với vốn ngoài ngân sách Nhà nước thì Thành phố đã triển khai 9 dự án với 7.511 căn hộ (đã hoàn thành 4.634 căn hộ, đang xây dựng 2.877 căn hộ); đang tiếp tục triển khai kêu gọi đầu tư 4 dự án với khoảng 3.500 căn hộ.

Với nhà ở công nhân các khu công nghiệp thì tính đến nay Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh đã hoàn thành 950 trên tổng số 1.496 căn hộ nhà ở xã hội. Dự án Nhà ở công nhân tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (chuyển đổi công năng từ 2 Khu KTX sinh viên tập trung phía Tây và phía Tây mở rộng) gồm 728 căn hộ, hiện đã cơ bản hoàn thành, thành phố đã có Công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng sang nhà ở công nhân.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/da-nang-can-giai-phap-cu-the-huy-dong-nguon-von-cho-phat-trien-nha-o-xa-hoi-d194228.html