Đà Lạt, em và phía không nhau

Hẳn nhiên đó là lời yêu buồn, thốt hiện từ nội tâm nhiều giằng níu, ru vỗ miền xa của cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, ánh vọng trong bài thơ Đà Lạt đầu đông. Bài thơ ông viết tặng người tri kỷ của mình, người đã cùng nhà báo Nguyễn Thanh Đạm nếm trải 'những gian lao', cả 'những khoảnh khắc ngọt ngào', trước sau vẫn 'nguyện chín đến tận cùng hương sắc', vẫn rộn ràng niềm dâng hiến 'quả cuối mùa thao thiết trao nhau'.

Cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (bên phải)

Cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (bên phải)

Thì xưa nay đâu phải cuộc tình nào cũng trọn vẹn, cũng đầy tròn, cũng hạnh phúc ngọt ngào, cũng mãi ru rín đắm say. Sự trắc trở trong tình duyên ấy, với mắt nhìn người nghệ sĩ, lại là một chiều kích nữa của tình yêu, đủ để đớn đau, đủ để nhớ thương, đủ để bịn rịn xen lẫn chút xót xa, bất lực và đủ lý do để cho hi vọng tồn tại lâu dài trong những con tim khát sống, khát yêu. Nỗi chất chứa lặng thầm đó, cần thiết cho đời và cho người, giúp những người yêu nhau nhận ra những giá trị ở vỉa tầng khuất lấp, gọi mời những yếu tố có thể làm hiện hình những trầm ẩn sâu kín nơi thăm thẳm con tim. Như bao cuộc tình lỡ dở, Đà Lạt đầu đông cũng là điệu nhịp tâm hồn vẫn quen gặp ở đời, nghĩa là cũng nói đến nỗi đắng đau, niềm khao khát, điều mong đợi. Nhưng nó là tiếng thức trở của một tâm hồn đã nhiều nếm trải, nên rất khác nỗi ray rứt phổ biến của những người chớm yêu. Thật không quá khi nói, giãi bày tâm trạng nhớ thương trong Đà Lạt đầu đông, tác giả đã ý thức rõ vì lẽ gì và do đâu mà cuộc tình duyên trắc trở? Tác giả có đủ độ minh định, rạch ròi để viết những câu thơ đầy chiêm nghiệm, đau nhưng không lụy, mà tràn ngập những bao dung, thấu hiểu.

Thi ảnh u nhã, điệu vẻ trữ tình, vần nhịp nghiêm ngắn, Đà Lạt đầu đông chinh phục độc giả bằng chính cảm xúc chân thành, tự nhiên, trong sáng, cùng những nâng niu, dịu lắng, trắc ẩn xanh mềm. Độc giả nhận ra đằng sau nỗi duềnh duềnh mất mát, chất chứa những lặng trầm, sự trân quý những phút giây hạnh phúc của tình yêu. Đà Lạt đầu đông của nhà báo Nguyễn Thanh Đạm thoạt nghe như những điệu thơ quen cũ, giàu nhạc tính, vần điệu buông lơi và mềm, rất gần với thơ truyền thống. Đó là sự chắt lẩy của một người từng trải, những lời yêu thương dung dị mà da diết chân thành, sâu lắng, rung động và thức tỉnh.

Cảm xúc nhẹ lay gợi khi đọc Đà Lạt đầu đông, nhạc sĩ Đình Nghĩ đã phổ nguyên bài thơ thành ca khúc Về phía không nhau. Đây là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Đình Nghĩ phổ thơ theo kiểu này: “Sương mưa và ướt lạnh/ Ngập ngừng sáng đầu đông/ Lất phất vài vạt nắng/ Hiu hắt sắc quỳ vàng/ Ngụm cà phê chao chát/ Thêm xao động hồn người/ Đâu đây vương ánh mắt/ Hương tóc và làn môi”. Ca khúc này, nhạc sĩ Đình Nghĩ viết theo cung thể Sol trưởng (G major), phổ theo thể loại nhạc POP phổ thông, với hình thức 2 đoạn đơn hết sức cân chỉnh. Ở đoạn nhạc 1, giai từ, tiết điệu nhẹ nhàng, sáng trong hòa quyện cùng lời thơ. Nhạc sĩ Đình Nghĩ sử dụng những quãng gần nhau không quá một khoảng 8 để người nghe dễ nghe, dễ cảm nhận, dễ đồng cảm. Chuyển sang đoạn nhạc 2, giai từ, tiết điệu tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc 1. Giai từ, tiết điệu ở đoạn nhạc 2 rộng mở, giằng xé, kết hợp với bè trầm, quãng cao, tạo nên một bức tranh nhiều màu, nhiều âm sắc trữ tình, sâu lắng: “Khi ở phía không nhau/ Mới thấy rằng thương nhớ/ Là khát khao vời vợi/ Chẳng thể nào đếm đong/ Tình đời như lòng sông/ Ru đôi dòng bịn rịn/ Thôi xin đừng nhìn lại/ Gắng về phía không nhau”. Ca sĩ đầu tiên hát ca khúc Về phía không nhau là Hoàng Phúc, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Ca sĩ Hoàng Phúc đã hát đầy xúc cảm trong chương trình Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ II, tổ chức tại Đà Lạt, ngày 3/9/2011, được đông đảo công chúng đón nhận nồng nhiệt.

Giờ thì không cần nói gì thêm nữa, chính thái độ sống, phẩm cách sống nhân hậu của cố nhà báo Nguyễn Thanh Đạm đã nói đủ đầy điệu vẻ tâm hồn ông trong Đà Lạt đầu đông và nhạc sĩ Đình Nghĩ là người lan truyền tiếng điệu đó bằng sóng nhạc qua ca khúc Về phía không nhau.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202106/da-lat-em-va-phia-khong-nhau-3062128/