Cứu sống nam bệnh nhân phình động mạch chủ bụng lớn, nguy cơ vỡ

Phình động mạch chủ được chia làm 2 loại là phình động mạch chủ ngực và phình động mạch chủ bụng. Nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời, người bệnh có nguy cơ vỡ mạch máu đe dọa đến tính mạng.

Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 19-8) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam có phình động mạch chủ bụng đường kính lớn lên đến 45mm đang tiến triển với nguy cơ vỡ phình cao. Các bác sĩ khoa Nội tim mạch đã nhanh chóng hội chẩn và phối hợp với TS.BS Lê Xuân Thận (Viện Tim mạch Quốc Gia – Bệnh viện Bạch Mai) can thiệp thành công cho trường hợp này.

Hình ảnh động mạch chủ bụng của bệnh nhân có đường kính 45mm đang tiến triển với nguy cơ vỡ phình cao.

Hình ảnh động mạch chủ bụng của bệnh nhân có đường kính 45mm đang tiến triển với nguy cơ vỡ phình cao.

Bệnh nhân được đặt stent graft vào phần phình động mạch chủ bụng bằng đường động mạch đùi. Sau một ngày can thiệp, bệnh nhân đã có thể tháo băng ép và hoạt động nhẹ nhàng.

Đây là một phương pháp can thiệp có nhiều ưu điểm bằng việc kết hợp giữa đặt stent graft và phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ. Với phương pháp ít xâm lấn này người bệnh có thể hồi phục ngay sau khi can thiệp với vết thương liền sau phẫu thuật.

Phình động mạch chủ bụng nguy hiểm như thế nào?

ThS.BS Phan Đình Nghĩa (Phó Trưởng khoa Nội tim mạch - Bệnh viện 19-8), người tham gia phẫu thuật nêu trên cho biết: Đường kính động mạch chủ bụng thông thường có kích thước dưới 30mm, với những trường hợp có kích thước trên 30mm sẽ bắt đầu giãn ra.

Động mạch chủ là động mạch chính của cơ thể, xuất phát từ tim đi xuống ngực, bụng cung cấp máu cho các cơ quan khác. Phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm - AAA) là tình trạng mà thành động mạch chủ bụng bị phình ra, hình thành một khối phình lớn. Nếu động mạch chủ bị giãn ra quá mức có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như vỡ mạch máu đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Điều trị bệnh phình động mạch chủ bụng bằng đặt stent graft

Trong trường hợp người bệnh bị phình động mạch chủ bụng có nguy cơ vỡ cao hoặc kích thước lớn phương án lựa chọn tối ưu là đặt stent graft.

Đặt stent graft là gì? Đặt stent graft là phương pháp can thiệp tối thiểu xâm lấn. Phương pháp này sử dụng một ống nhân tạo (stent graft) để đưa vào bên trong lòng động mạch chủ thông qua một đường rạch nhỏ ở đùi. Stent graft được chèn vào thành động mạch bị phình giúp ngăn ngừa sự phình phát triển của phình và giữ cho động mạch ổn định.

Các bác sĩ khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 19-8) tiến hành đặt stent graft cho người bệnh.

Các bác sĩ khoa Nội tim mạch (Bệnh viện 19-8) tiến hành đặt stent graft cho người bệnh.

Quá trình điều trị bằng đặt stent graft thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của hệ thống chụp mạch DSA để đảm bảo việc đặt stent graft đúng vị trí. Sau khi stent graft được đặt vào sẽ tự động mở ra và bám vào thành động mạch, tạo ra một lớp bảo vệ để ngăn ngừa phình tiếp tục phát triển.

"Đây là phương pháp can thiệp không cần phải mổ mở/mổ phanh giúp người bệnh tránh được các cuộc đại phẫu và thời gian hồi phục sau phẫu thuật ngắn. Đồng thời, nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật cũng được giảm xuống so với phẫu thuật mở bụng truyền thống" - ThS.BS Phan Đình Nghĩa cho biết thêm.

Bệnh phình động mạch chủ bụng là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như vỡ mạch máu gây tử vong. Việc người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Phương pháp điều trị bằng đặt stent graft đã được chứng minh là hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự phát triển của phình và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần được theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả và an toàn của quá trình điều trị.

Kim Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-nam-benh-nhan-phinh-dong-mach-chu-bung-lon-nguy-co-vo-169240514143832451.htm